Đồng Tháp xếp vị trí thứ 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022
Cập nhật ngày: 11/04/2023 11:05:21
ĐTO - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Tham dự lễ công bố, phía tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) nhận Kỷ niệm chương PCI 2022 (ảnh: Hòa Châu)
Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Kết quả PCI 2022, tỉnh Quảng Ninh xếp vị trí quán quân với 72,95 điểm; xếp vị trí thứ 2 là tỉnh Bắc Giang với 72,80 điểm; xếp thứ 3 là TP Hải Phòng với 70,76 điểm; xếp thứ 4 là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 70,26 điểm.
Với 69,68 điểm Đồng Tháp xếp vị trí thứ 5 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022. Đây cũng là cột mốc ghi dấu 15 năm liên tiếp Đồng Tháp vinh dự được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI toàn quốc. Trong báo cáo PCI 2022, tỉnh Đồng Tháp có nhiều chỉ số thành phần đạt vị trí cao của cả nước, trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7,94 điểm, xếp vị trí thứ 1; tính minh bạch đạt 7,10 điểm, xếp vị trí thứ 1; chi phí thời gian đạt 8,11 điểm, xếp vị trí thứ 3; tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,65 điểm, xếp vị trí thứ 2.
Các tỉnh tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2022 là Thừa Thiên Huế (69,436 điểm), Bắc Ninh (69,08 điểm), Vĩnh Phúc (68,91 điểm), Đà Nẵng (68,52 điểm), Long An (68,45 điểm).
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thường xuyên có các cuộc gặp gỡ nhằm kịp thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp
Trong Báo cáo PCI 2022 đã đánh giá các chuyển động trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam như: mức độ thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận thông tin, công tác thanh, kiểm tra, chi phí không chính thức, chất lượng thực thi quy định tại các địa phương và các khó khăn doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. Đồng thời, phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều khía cạnh như thủ tục đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai, xuất nhập khẩu, chất lượng lao động…
Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản và khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới. Khảo sát PCI có thể xem là cuộc khảo sát doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam hàng năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham dự buổi cà phê doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sa Đéc
Một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
KHÁNH PHAN