Đưa kẹo chuối lên sàn thương mại điện tử

Cập nhật ngày: 03/10/2024 14:26:23

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241003022721dt2-5.mp3

 

ĐTO - Từ bàn tay khéo léo của chị Đinh Thị Mỹ Phượng (ngụ xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười), kẹo chuối đậu phộng - món ăn dân dã quen thuộc của người dân miền Tây đã khoác lên mình áo mới, chinh phục nhiều thực khách khó tính ở thị trường thương mại điện tử (TMĐT). Nhờ ứng dụng công nghệ và sự sáng tạo, chị Mỹ Phượng đã mang món kẹo chuối truyền thống của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước thông qua các phiên livestream bán hàng trên nền tảng Tik Tok Shop. Mô hình khởi nghiệp sáng tạo của chị Mỹ Phượng không chỉ giúp gia đình chị phát triển kinh tế mà còn giúp cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.


Chị Đinh Thị Mỹ Phượng livestream bán sản phẩm kẹo chuối trên nền tảng Tik Tok Shop

Thu hút khách hàng bằng sự hoạt ngôn, chuyên nghiệp khi tư vấn người tiêu dùng tại các phiên livestream bán hàng trên nền tảng Tik Tok Shop, ít ai biết rằng trước đó không lâu, chị Mỹ Phượng từng là người phụ nữ khá rụt rè khi nói chuyện trước đám đông và không rành về công nghệ. Tuy nhiên, sau khi tham gia các lớp học bán hàng trên nền tảng Tik Tok do Sở Công thương tỉnh tổ chức năm 2023, chị đã áp dụng thành công và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình khi khởi nghiệp với sản phẩm kẹo chuối đậu phộng kinh doanh trên nền tảng TMĐT.

Chị Mỹ Phương tâm sự: “Ban đầu, tôi chỉ làm kẹo chuối bán nhỏ lẻ tại địa phương vào dịp lễ, Tết. Sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện giới thiệu tham gia lớp học bán hàng qua nền tảng TMĐT, công việc kinh doanh của tôi có nhiều thay đổi tích cực. Giai đoạn đầu, tôi cũng gặp không ít những khó khăn khi livestream không thể “ra đơn”. Song, nhờ chịu khó học hỏi từ những nhãn hàng khác đang kinh doanh trên nền tảng Tik Tok Shop, tôi học họ livestream và “chốt đơn”, học cách xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm nên dần dần khách hàng bắt đầu tin tưởng và ủng hộ sản phẩm kẹo chuối đậu phộng của gia đình tôi”.

Từ chỗ mỗi năm chỉ bán được vài trăm ký kẹo chuối vào dịp lễ, Tết, hiện nay trung bình mỗi tháng, chị Đinh Thị Mỹ Phượng cung cấp cho thị trường gần 800kg kẹo chuối các loại. Mỗi ký kẹo chuối có giá 115 ngàn - 120 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, chị Phượng có lãi từ 12 triệu - 15 triệu đồng. Ngoài giúp gia đình phát triển kinh tế, hiện chị Mỹ Phượng còn tạo việc làm cho một số chị em phụ nữ tại địa phương với thu nhập từ 200 ngàn - 350 ngàn đồng/ngày. Ngoài sản phẩm kẹo chuối đậu phộng là chủ lực, chị Mỹ Phượng còn sản xuất thêm một số dòng sản phẩm kẹo truyền thống như: kẹo dẻo đậu phộng và kẹo mãng cầu xiêm...

Theo chị Phượng, bí quyết để có thể kinh doanh sản phẩm truyền thống hiệu quả trên nền tảng TMĐT, trước hết là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, nguyên vật liệu dùng để sản xuất phải tươi mới, an toàn vệ sinh thực phẩm; đòi hỏi người bán phải có sự am hiểu về các quy định, chính sách cộng đồng, chính sách bán hàng mà nền tảng đặt ra; ưu tiên làm nhiều video, livestream trực tiếp để người tiêu dùng có thể hiểu hơn về sản phẩm, từ đó giúp người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ sản phẩm.

Mặc dù đạt được những thành công nhất định khi chuyển hướng kinh doanh lên các nền tảng TMĐT, chị Đinh Thị Mỹ Phượng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Do nguồn vốn hạn chế, quy trình sản xuất kẹo chuối của chị Mỹ Phượng chủ yếu dựa vào thủ công. Điều này, khiến chị gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và mở rộng quy mô sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tháp Mười, cho biết: “Trước đây, sản phẩm kẹo chuối của chị Đinh Thị Mỹ Phượng chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ, mang tính mùa vụ. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này, Hội LHPN huyện Tháp Mười quyết định đồng hành cùng chị Phượng. Chúng tôi tạo điều kiện giúp chị Phượng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, hỗ trợ chị Phượng tiếp cận các kênh bán hàng hiện đại như: Tik Tok Shop, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu... Đồng thời, Hội LHPN kết nối giúp chị Phượng tham gia các Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ những hỗ trợ này, quy mô sản xuất của chị Phượng đã được mở rộng đáng kể, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến và thu nhập của gia đình được cải thiện rõ rệt...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn