Éo le chuyện bò cái... không chịu đẻ
Cập nhật ngày: 03/05/2017 09:30:17
ĐTO - Hơn chục con bò cái của nhiều hộ dân được cấp bò trong Đề án phát triển nuôi bò sinh sản huyện Thanh Bình đã nuôi gần 2 năm đến nay nhưng không chịu đẻ, khiến cho nhiều hộ dân khốn đốn vì vừa mất công lại vừa mất của.
Nông dân âu lo vì bò cái không có khả năng sinh sản ở huyện Thanh Bình
Phát triển chăn nuôi bò sinh sản (gọi tắt là Đề án 201) là đề án thí điểm của UBND huyện Thanh Bình trong thực hiện hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho 50 hộ dân ở 2 xã nông thôn mới Tân Bình và Bình Thành. Đề án thực hiện giai đoạn từ năm 2015-2017. Khi được lựa chọn tham gia đề án, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn mua bò sinh sản không lãi suất trong vòng 3 năm. Sau 3 năm chăn nuôi, số bê con sinh ra người dân sẽ được sở hữu hoàn toàn, chỉ cần hoàn vốn đối với cặp bò mẹ ban đầu.
Tuy nhiên sau gần 2 năm chăn nuôi, bên cạnh số bò cái sinh sản bình thường thì có 11 trường hợp bò cái của 8 hộ dân thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình bị mất khả năng sinh sản. Được biết, toàn bộ số bò giống của đề án được mua tại Công ty TNHH MTV bò sữa TP.HCM.
Anh Trần Văn Tuấn, một hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được cấp bò trong Đề án 201 ở xã Bình Thành kể: “Ban đầu được Nhà nước hỗ trợ bò để nuôi sinh sản, gia đình rất mừng. Tôi dành gần 2 công đất để trồng thêm cỏ cho bò ăn nhưng niềm vui mỗi ngày một tắt dần khi thấy bò nhà mình nuôi mãi không thấy đẻ, trong khi bò hàng xóm được cấp cùng lúc đã đẻ được 2 con. Sau khi thấy bò nuôi mãi không có dấu hiệu “đẻ chửa”, tôi nhờ công ty kiểm tra thì mới biết buồng trứng của cặp bò cái nhà mình không còn phát triển. Gần 2 năm nay, tôi không đi làm công ty để ở nhà chăm sóc bò, gia đình kỳ vọng rất nhiều vào cặp bò này nhưng giờ thì coi như vừa mất công lại vừa mất của”.
Cùng cảnh ngộ với anh Tuấn, ông Lê Văn À ngụ xã Bình Thành cho biết:“Nuôi đã gần 20 tháng rồi nhưng 2 con bò không mang bầu nên rầu quá. Gần 2 năm tốn công tốn sức, nếu hôm nào cắt cỏ ở nhà thì đỡ tốn nhưng cắt cỏ ở xa còn tốn thêm tiền xăng, cả tháng tính lại chi phí ít nhất cũng hơn 500 ngàn đồng, giờ chẳng thu được gì coi như trắng tay”.
Ngoài ra, cũng có trường hợp khi bò chuyển về tới địa phương, nhân viên công ty thăm khám phát hiện bò có vấn đề đã cho nông dân đổi lại nhưng bò được đổi lại vẫn không chịu đẻ, khiến cho người dân rất bức xúc.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, sắp tới, Phòng sẽ đàm phán với công ty để đổi lại bò cái cho các hộ dân. Trường hợp công ty không chịu bồi thường, người dân được phép bán bò để mua bò khác, thời gian cho vay không lãi suất sẽ kéo dài thêm 2 năm. Riêng vấn đề người dân đòi trả lại bò, hỗ trợ tiền công cắt cỏ hằng tháng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng không có cơ sở giải quyết.
Đề án phát triển nuôi bò sinh sản là đề án thiết thực mà huyện Thanh Bình nỗ lực giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, trước tình trạng giá bò đang xuống thấp, bò cái không có khả năng mang thai đã khiến nhiều hộ gia đình đã khó khăn càng thêm khó khăn, địa phương phải đối mặt với bài toán nâng cao thu nhập chưa được giải thì đã phát sinh thêm vướng mắc mới.
Mỹ Lý