Gạo thơm là... gạo 5% tấm

Cập nhật ngày: 19/12/2012 04:36:53

10 tháng đầu năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, vươn lên vị trí số 1 thế giới và có khả năng giữ vị trí này khi kết thúc năm 2012.

Chỉ nhìn vào số lượng, đây là kết quả rất ấn tượng (năm 2010 sản lượng gạo XK của Việt Nam ít hơn Thái Lan đến trên 2 triệu tấn). Thế nhưng, nhìn từ góc độ giá trị, gạo XK của nước ta còn kém nhiều nước. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, top đầu XK gạo trên thế giới còn có Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ. 472 USD là giá trị bình quân 1 tấn gạo XK của Việt Nam (năm 2010) - kém nhất trong số những nước top đầu XK gạo (Pakistan - 515 USD, Thái Lan - 593 USD, Hoa Kỳ - 622 USD, Ấn Độ - 1.031 USD). 10 tháng đầu năm 2012, giá trị bình quân gạo XK của nước ta chỉ đạt 433,7 USD/tấn.

Có thể không ít người nghĩ rằng: Giá trị bình quân 1 tấn gạo XK của Việt Nam thấp hơn so với các nước nêu trên là do nước ta XK nhiều gạo phẩm cấp thấp, còn các nước khác XK nhiều gạo trắng hạt dài, gạo thơm. Điều này chỉ đúng một phần (Việt Nam XK nhiều gạo trắng chất lượng trung bình, ít gạo thơm), bởi theo các số liệu công bố, ngay cùng chủng loại gạo, giá XK của nước ta thường thấp hơn so với gạo của Thái Lan; kể cả gạo 25% - 15% tấm. Phải chăng cùng chủng loại, chất lượng gạo của Việt Nam vẫn kém hơn gạo của các nước top đầu XK gạo (do lẫn nhiều giống gạo khác nhau chẳng hạn)?

Riêng gạo thơm thì khoảng cách chênh lệch giá giữa gạo của Việt Nam và các nước lên đến 400 USD/tấn (đối với một số loại gạo thơm có thương hiệu riêng của các nước). Nguyên nhân do gạo thơm XK của các nước có thương hiệu riêng hẳn hoi (chẳng hạn gạo thơm Hom Mali của Thái Lan), còn gạo thơm XK của nước ta chưa có thương hiệu riêng đối với từng giống (đều là gạo thơm 5% tấm chung chung).

Đây là điều đáng tiếc khi Việt Nam có không ít giống lúa thơm đặc sản (Nàng thơm Chợ Đào, Một bụi đỏ, Tài nguyên...) và các giống lúa thơm mới sau này (ST3 chẳng hạn). Từ thực trạng nêu trên cho thấy: Vị trí số 2 hay số 1 thế giới về XK gạo không phải là điều quan trọng nhất. Cái cối lõi cần hướng tới chính là thực thi các giải pháp để gia tăng giá trị xuất khẩu (bình quân USD/tấn)!

Lê Như Giang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn