Giá nông sản giảm sau Tết Đoan ngọ

Cập nhật ngày: 24/06/2015 13:49:53

 Sau Tết Đoan ngọ, nhiều mặt hàng nông sản bắt đầu giảm giá mạnh, các loại rau màu giảm trung bình từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Một số loại như: khoai môn, đậu bắp, chanh giảm giá khá sâu do đang vào mùa thu hoạch.


Ớt tăng giá mạnh

Ngoài các dịp lễ, Tết khác trong năm thì Tết Đoan ngọ cũng là dịp hàng hóa được tiêu thụ mạnh, tuy nhiên theo đánh giá từ các thương lái, thị trường rau màu Tết Đoan ngọ năm nay khá trầm lắng. Hầu như giá cả nhiều mặt hàng nông sản không tăng đột biến, mức giá chỉ tăng nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg trong khoảng từ ngày mùng 4 - 6 âm lịch (nhằm ngày 19 – 21/6 dương lịch). Hiện tại, các mặt hàng nông sản đã trở về mức giá như ngày thường. Hành lá giá từ 410 – 420 ngàn đồng/tạ (100kg), bắp cải từ 8 - 9 ngàn đồng/kg, củ cải trắng giữ mức giá 6 ngàn đồng/kg, khổ qua dao động từ 6 – 6,5 ngàn đồng/kg, dưa leo giá 6 – 7 ngàn đồng/kg, cà chua 8 ngàn đồng/kg. Với mức giá trung bình này, nông dân sản xuất vẫn đảm bảo lợi nhuận.

 Tuy nhiên một số mặt hàng rau màu giá rớt sâu như: chanh hiện chỉ còn từ 2.500 – 3.000 đồng/kg, khoai môn 3.000 – 4.000 đồng/kg, đậu bắp 3.000 ngàn đồng/kg gây khó khăn cho người sản xuất. Bởi hiện tại giá thành sản xuất của các loại nông sản này cao hơn giá bán từ  20 – 30%, song song đó do đang vào mùa thu hoạch rộ nên hàng hóa ứ động, thương lái tiêu thụ chậm nên nhiều hộ dân rất lo ngại.

Bên cạnh nhiều mặt hàng nông sản tuột giá mạnh thì ớt lại tăng giá đột biến. So với cách đây một tuần, ớt tăng giá trên 10 ngàn đồng/kg, hiện tại ớt giữ mức giá 33 – 34 ngàn đồng/kg. Giải thích việc giá ớt tăng đột biến trong những ngày gần đây, anh Nguyễn Minh Trung - thương lái ở xã Định Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Hiện nay đang bắt đầu mùa mưa nên diện tích trồng ớt giảm rất mạnh, đặc biệt là các khu vực trồng ớt nhiều như huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Lai Vung... Bên cạnh đó, do sản lượng mùa này rất thấp nên một số doanh nghiệp xuất khẩu ớt đẩy giá tăng cao để thu gom nguyên liệu. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ớt sốt giá trong khoảng thời gian này”.

Mặc dù một số mặt hàng nông sản rớt giá mạnh khiến nông dân gặp không ít khó khăn nhưng thực tế giá bán nhiều mặt hàng này khi đến tay người tiêu dùng thường có mức “trên trời”, khiến không ít người tiêu dùng bức xúc. Thực hiện một vòng khảo sát giá cả một số mặt hàng nông sản tại chợ TP.Cao Lãnh, chúng tôi khá bất ngờ trước mức giá chênh lệch quá lớn giữa giá nông dân bán tại ruộng và giá thực tế đến tay người tiêu dùng. Phần lớn các mặt hàng nông sản khi tới tay người tiêu dùng đều “đội giá” cao gấp 4 – 5 lần so với giá nông dân bán tại ruộng. Chị Nguyễn Thị Bảy ngụ xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh bức xúc: “Xưa giờ đi chợ, người bán nói giá bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu chứ đâu biết giá gốc thế nào mà kỳ kèo. Vừa rồi về quê thấy nông dân trong xóm bán đậu bắp chỉ 3.000 đồng/kg, chanh cũng 3.000 đồng/kg nhưng về chợ TP.Cao Lãnh, tôi mua đậu bắp giá 25 ngàn đồng/kg, chanh 20 ngàn đồng/kg. Mức chênh lệch này rất khó chấp nhận”.

Đây là vấn đề bức xúc không riêng của người tiêu dùng mà còn là vấn đề khá nhức nhối đối với bà con nông dân. Chính vì vậy, người nông dân rất cần sự hỗ trợ từ các ngành để tổ chức thực hiện liên kết chuỗi, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Minh Nhật

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn