Giải pháp mới xử lý chất thải trong chăn nuôi
Cập nhật ngày: 02/07/2012 09:46:50
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và nhằm tìm phương pháp thay đổi tập quán chăn nuôi, từ khi về công tác tại Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, anh Nguyễn Út Nhỏ - kỹ sư khoa học môi trường đã đi sâu nghiên cứu và tìm ra giải pháp chăn nuôi có hiệu quả từ việc ứng dụng mô hình đất ngập nước kiến tạo kết hợp hầm biogas và hồ ổn định sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Giải pháp này đã đạt giải C tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7 năm 2009.
Hồ sinh học
Anh Út Nhỏ cho biết: “Đây là giải pháp có thể giải quyết được 3 thành phần ô nhiễm chính trong chăn nuôi là nước thải, chất thải rắn và giảm thiểu tuyệt đối mùi hôi thay thế cho cách chăn nuôi truyền thống. Trong khi đó, chi phí xây dựng, bảo quản thấp và hầu như không tiêu tốn điện năng, hóa chất do không sử dụng máy móc, thiết bị vận hành. Việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng giải pháp này cho thấy độ xử lý chất thải an toàn tuyệt đối, mang lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài do giải pháp này hoàn toàn nằm trong mô hình khép kín.
Giải pháp trên đã được áp dụng cho trại nuôi heo của ông Lê Thành Điệp ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh vào năm 2009. Với qui mô khoảng 250 con heo trong khu chăn nuôi, trong đó chi phí xây dựng toàn bộ giải pháp là gần 29 triệu đồng, qua 3 năm ứng dụng, giải pháp cho thấy nhiều điểm ưu việt hơn so với cách xử lý nước thải theo kiểu truyền thống (xử lý chất thải bằng biogas). Bởi ngoài tác dụng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, phương pháp này còn đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường đáp ứng tiêu chuẩn sạch. Đồng thời, tiết kiệm được khoảng vài trăm triệu đồng từ việc tận dụng nguồn khí đốt.
Cùng với trại nuôi heo của ông Lê Thành Điệp, năm 2011, trang trại nuôi cá sấu Mỹ Hiệp 1 và 2 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh cũng thực hiện giải pháp xử lý chất thải này với quy mô trung bình khoảng 8.000 - 10.000 con cá sấu, trong đó lượng nước thải khoảng 30m3/ngày. Qua kết quả phân tích, chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường, xử lý toàn bộ lượng chất thải phát sinh hàng ngày, không sinh mùi hôi.
Theo phân tích của anh Út Nhỏ, quá trình xử lý nước thải theo công nghệ này được thực hiện khá đơn giản. Chỉ cần thu gom nước thải bằng hệ thống mương thoát bố trí dọc theo các chuồng nuôi để dẫn vào bể biogas, sau đó tiếp tục bơm nước thải qua tiếp bể điều hòa lắng để điều hòa lưu lượng, nồng độ, thành phần nước thải, chống quá tải các công trình phía sau. Tiếp đó, nước từ bể điều hòa được bơm qua bể lọc kỵ khí kết hợp lọc thực vật (đất ngập nước kiến tạo) - đây là khâu xử lý nước thải đóng vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ mô hình.
Khu đất ngập nước kiến tạo này được xây dựng bằng xi măng theo dạng một hồ nước tự nhiên. Phía trong hồ bố trí 3 lớp vật liệu lọc gồm: đất, đá và sỏi, lớp vật liệu lọc có tác dụng như giá thể để vi sinh vật bám dính. Khi dòng nước thải chảy qua các khe hở trong lớp đá sẽ dần hình thành lớp màng vi sinh vật bám dính trên bề mặt giá thể. Lớp màng vi sinh này có chức năng hấp thu và phân hủy các thành phần ô nhiễm trong nước thải. Ngoài ra, trên bề mặt lớp vật liệu còn được trồng một số loài thực vật có khả năng xử lý nước thải ( sậy, cỏ ống...) Cuối cùng nước thải chảy vào hồ ổn định sinh học, những thành phần ô nhiễm còn lại được hấp thu xử lý bởi lục bình trong hồ và những màng vi sinh già chết bung ra khỏi giá thể chảy vào hồ sinh học làm thức ăn cho cá.
Qua nghiên cứu, ứng dụng tại các trang trại chăn nuôi heo, cá sấu trong tỉnh, anh Út nhận thấy, phương pháp sử dụng đất ngập nước kiến tạo kết hợp hầm biogas và hồ ổn định sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh ta hiện nay. Đặc biệt, về lâu dài có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do việc xây dựng giải pháp này trong chăn nuôi chiếm một diện tích đất khá lớn, “thời gian tới tôi và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để có thể tận dụng khu đất ngập nước kiến tạo trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao thay thế cho loại cây sậy, cỏ ống”..., anh Út Nhỏ chia sẻ thêm.
MN