Tháp Mười
Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 10/12/2014 13:25:01
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tháp Mười tích cực tuyên truyền đến hội viên, nông dân về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của Đề án. Nhờ đó đã phát huy tốt tinh thần vượt khó, chủ động học tập, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình cánh đồng liên kết tại xã Láng Biển (huyện Tháp Mười)
Những đóng góp nổi bật
Từ năm 2011 đến nay, sản lượng lúa tăng từ 625.327 tấn lên 680.000 tấn, tăng 109%, sản lượng lúa giống tăng 637,9%, tỷ lệ áp dụng lúa chất lượng cao tăng 108%; tỷ lệ diện tích áp dụng cấy lúa chiếm gần 1% diện tích sản xuất, sản lượng dưa hấu tăng 116,7%, góp phần rất lớn trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, diện tích liên kết lúa từ đông xuân 2012-2013 đến nay được 8.248,97ha. Đây là sự nỗ lực vượt trội của ngành nông nghiệp và các ngành liên quan, trong đó có nông dân.
Bên cạnh đó, nông dân còn chủ động ứng dụng mô hình chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chỉ trong 2 năm, nông dân tham gia xây dựng mới và duy trì 19 mô hình. Chú trọng và biết phát huy mô hình làm ăn tập thể, toàn huyện đã hình thành 243 tổ hợp tác, thành lập mới 3 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số lên 31 HTX với 905 thành viên và trên 23.236 triệu đồng. Các HTX đang được hướng dẫn chấn chỉnh theo Luật HTX năm 2012, góp phần thúc đẩy việc hình thành quan hệ sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân đã vận động hội viên xây dựng gia đình nông thôn văn hóa, tham gia học nghề; phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ban, ngành xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, như đóng góp ngày công, hơn 16 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện... góp phần xây đựng được 2 xã điểm đạt 19 tiêu chí theo kế hoạch.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi, song sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn nhiều trăn trở, do sản xuất nông nghiệp thời gian qua đạt về số lượng nhưng chất lượng còn thấp vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; giữa doanh nghiệp và nông dân chưa gặp nhau; chuyển dịch nội bộ ngành nông nghiệp chậm, đặc thù sản xuất lúa 3 vụ/năm dẫn đến hệ lụy sâu bệnh tăng, đất nghèo dinh dưỡng do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cạnh tranh giá xuất khẩu vì cung vượt cầu và làm cho chi phí sản xuất tăng; nông dân thiếu thông tin thị trường.
Giải pháp để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đạt mục tiêu, huyện đã đề ra các giải pháp.
Thực hiện chiến lược tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, qui hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh, các khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp bảo quản chế biến, thị trường trong nước và xuất khẩu. Cải thiện hệ thống canh tác, tưới tiêu; cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống. Hiện nay, huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu và đã phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp lớn huyện Tháp Mười giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo, các sản phẩm chủ lực lợi thế của huyện; tăng cường tìm kiếm, sàng lọc các doanh nghiệp mạnh, có tâm, nhiệt tình với nông dân đến liên kết sản xuất với nông dân. Các cơ quan hành chính phải là cầu nối, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đến liên kết. Chú ý không ngừng củng cố nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với HTX.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nội dung, phần việc của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, kế hoạch thực hiện đề án cũng như phổ biến quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp lớn, hiện đại của huyện. Trong đó, Hội Nông dân là tổ chức đại diện, gắn bó với nông dân cần phát huy tối đa về phong trào xây dựng nông thôn, các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến.
Hội Nông dân các cấp phối hợp với các ban, ngành vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân lựa chọn sản xuất theo 5 mô hình tổ chức sản xuất: thu mua theo hợp đồng đặt hàng; đầu tư đầu vào và thu mua; đầu tư đầu vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX như hệ thống sấy, kho trữ; đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ như chất lượng giống mới, phát triển năng suất, giảm giá thành, xây dựng thương hiệu và mô hình tham gia cổ phần.
Tích cực tuyên truyền để tự bản thân người nông dân thay đổi tư duy, biết lựa chọn, so sánh quyết định mô hình canh tác theo nhu cầu thị trường; cải thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bằng việc thực hiện tốt mối liên kết dọc (nông dân với doanh nghiệp) liên kết ngang (xây dựng cánh đồng lớn, hình thành HTX) để rút ngắn mô hình mua qua đại lý - bán qua thương lái như trước đây, tạo giá trị gia tăng và phải trung thực trong sản xuất, đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trên trường quốc tế.
Thảo Vy