Giải pháp thúc đẩy sản xuất và kiểm soát chất lượng giống cá tra

Cập nhật ngày: 18/08/2022 20:01:03

ĐTO - Ngày 18/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị giải pháp thúc đẩy sản xuất và kiểm soát chất lượng cá tra với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng tháp Huỳnh Minh Tuấn.


Ông Huỳnh Minh Tuấn mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra

Hội nghị tập trung bàn giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng giống cá tra tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện cả nước có 103 cơ sở sản xuất giống ca tra, tập trung tại An Giang, Đồng Tháp và có hơn 1.900 cơ sở ương dưỡng giống cá tra.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sản xuất cá tra của tỉnh Đồng Tháp chiếm trên 33% diện tích và gần 35% sản lượng cá tra toàn vùng, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng. Toàn tỉnh có 76 cơ sở cho cá sinh sản và 1.104 cơ sở ương dưỡng giống cá tra (khoảng 950 ha). Hằng năm, cung cấp khoảng 20 tỷ con cá tra bột và khoảng 1,3 tỷ con cá tra giống, đủ nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Thống kê của Tổng Cục Thủy sản, khó khăn trong chọn tạo, sản xuất giống cá tra hiện nay là thiếu HCG cục bộ (một trong các loại kích dục tố sử dụng cho cá đẻ) và đây cũng là chất không được phép sử dụng ở một số nước nhập khẩu cá tra; số lượng cơ sở ương dưỡng giống thủy sản chưa được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận còn thấp; cá mắc nhiều bệnh. Tỷ lệ sống khi ương dưỡng từ giai đoạn cá bột lên cá giống còn thấp (khoảng 15%), giá thành sản xuất cao, cá bố mẹ chưa rõ nguồn gốc, chất lượng kém…


Tổng Cục Thủy sản thông tin về giải pháp nâng cao chất lượng giống cá tra

Với những khó khăn chủ yếu trên, nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra được đưa ra tại hội nghị. Trong đó, tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; mỗi năm cung cấp 25.000 cá hậu bị chất lượng cao, nhằm thay thế và duy trì đàn cá bố mẹ chọn giống cho cơ sở sản xuất cá bột.

Ứng dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá tra cũng là giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ sống; đầu tư nghiên cứu, chọn tạo các tính trạng mới (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ phile, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm...) theo nhu cầu thị trường. Cùng với đó, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng liên kết chuỗi cá tra 3 cấp tại tỉnh An Giang và nhân rộng ra một số địa phương có hoạt động ương dưỡng giống cá tra như Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Long An v.v..

Chuyên gia từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết, hiện đã nghiên cứu bước đầu ở phạm vi nhỏ về một số giải pháp thay thế HCG trong sinh sản nhân tạo cá tra như thực hiện bằng não thủy thể hoặc có thể kết hợp sử dụng não thủy thể với LH-Rha, sử dụng sản phẩm Ovaprim.

Về giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất giống cá tra tại Đồng Tháp, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng cá tra, làm tốt quan trắc môi trường nước nuôi thủy sản, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường, môi trường nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết lại với nhau hình thành các Hội quán, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng.


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận hội nghị

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận các giải pháp, đề xuất tại hội nghị và đề nghị các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí nguồn lực thực hiện quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; tiếp tục triển khai đề án giống cá tra 3 cấp.

Thứ trưởng chỉ đạo Tổng Cục Thủy sản rà soát, tổng hợp nhu cầu cá tra hậu bị, chọn giống và phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, các Viện, trường để kịp thời cung cấp giống, phục vụ nhu cầu sản xuất; khẩn trương triển khai các dự án phát triển giống; tham mưu cho Bộ NN&PTNT các nhiệm vụ khoa học về chọn giống cá tra chất lượng cao, giải pháp thay thế HCG; các Viện, Trường, Cục Thú y nghiên cứu thuốc, vắc xin phòng bệnh trên cá tra, sớm triển khai các nghiên cứu vào sản xuất v...

07 tháng đầu năm 2022, các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi khoảng 3.200 ha cá tra (tăng 15% so với cùng kỳ). Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ là những địa phương có diện tích thả nuôi nhiều, chiếm 69% diện tích thả nuôi toàn vùng. Sản lượng thu hoạch cá trong 7 tháng đầu năm ước đạt 810.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến 15/7 đạt 1,52 tỷ USD.

Nguyệt Ánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn