Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP

Cập nhật ngày: 29/04/2022 14:22:10

ĐTO - Tiếp tục chuỗi sự kiện Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra tại Đồng Tháp, sáng ngày 29/4, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp Sở Công Thương Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP”.

Theo ông Hoàng Vũ Quang – Phó viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (chương trình OCOP) đã được triển khai trên cả nước từ năm 2018. Đến nay, cả nước đã có hơn 7.436 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên, với sự tham gia của hơn 4.061 chủ thể. Trong đó, tiêu biểu có 20 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao OCOP Quốc gia, các sản phẩm đã có mặt trong các siêu thị, cửa hàng, hệ thống phân phối…

Đến nay, Đồng Tháp có 265 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên của 94 chủ thể. Trong đó, tiêu biểu tỉnh có 4 sản phẩm xét công nhận 5 sao và đã được cấp công nhận tiêu chuẩn chất lượng.


Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh

Các sản phẩm OCOP với chất lượng, đặc thù, an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, sang trọng ngày càng tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn thế giới cũng như Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh danh của người dân cũng như chủ thể OCOP, đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh đó, bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống thì các kênh thương mại điện tử (Voso, Post mart, Lazada, Tiki, Shopee…) đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng và hiệu quả.

Dù vậy, việc phát triển hình thức thương mại điện tử ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế, nhiều chủ thể OCOP còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số nơi còn lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả kênh thương mại điện tử cho sản phẩm của mình.


Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận về giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP

Tại phiên thảo luận, đóng góp ý kiến về giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng, có thể nói, đại dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Các địa phương từ đó cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, DN ứng dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, đa phần người sản xuất không bán được hàng hoá như mong muốn do không có kỹ năng bán hàng. Các chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP cần có một đội ngũ chuyên bán hàng cho người sản xuất, sản phẩm OCOP; có chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn cho sản phẩm OCOP. Về phía DN, muốn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về quy mô, thị trường…

Tại hội thảo, các DN cũng thông tin, hướng dẫn các điều kiện để đưa hàng hoá, sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; các định hướng để liên kết thúc đẩy liên kết sâu giữa DN và các sàn thương mại để thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn