Giảm giá thành sản xuất lúa - câu chuyện chưa bao giờ cũ
Cập nhật ngày: 27/12/2016 10:09:54
ĐTO - Giảm chi phí đầu tư vào sản xuất lúa nhưng vẫn đảm bảo năng suất và lợi nhuận cao không phải là câu chuyện mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Để giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh giao cho Trạm Khuyến nông huyện Tháp Mười xây dựng và thực hiện mô hình “Giảm giá thành sản xuất lúa” với sự tư vấn của Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Mô hình “Giảm giá thành sản xuất lúa” mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân
Tại Hợp tác xã (HTX) An Phong, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, mô hình “Giảm giá thành sản xuất lúa” được thực hiện liên tục trong 4 vụ từ vụ thu đông 2015 đến vụ thu đông 2016 trên diện tích 20ha đất với 13 hộ nông dân tham gia. 2 vụ đầu, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 60% kinh phí mua lúa giống, 30% tiền mua vật tư, được tham gia tập huấn 7 lần/vụ theo các giai đoạn sinh trưởng của lúa. Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thăm đồng để đánh giá tình hình phát triển của cây lúa và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Ông Nguyễn Công Trường - thành viên của HTX xã An Phong chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng lo ngại khi thực hiện quy trình sản xuất lúa trong mô hình vì có nhiều điểm khác với kỹ thuật canh tác lúa thông thường”.
Cũng theo ông Trường, cá nhân ông cũng như nhiều người dân khác được hướng dẫn sử dụng giống lúa Jasmine 85 cấp nguyên chủng và áp dụng biện pháp sạ hàng với lượng giống gieo sạ chỉ 100kg/ha, giảm khoảng 60 - 80kg/ha so với gieo sạ truyền thống. Việc áp dụng biện pháp bón lót (cày vùi toàn bộ phân DAP và ½ lượng phân Kali vào đất trước khi xuống giống) cũng trái ngược so với cách sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, từ vụ đầu tiên, ông đã thấy rõ hiệu quả mà mô hình mang lại. Khi sạ thưa thì đồng ruộng thông thoáng dễ chăm sóc, sâu bệnh ít hơn. Việc áp dụng kỹ thuật bón phân lót thì giúp hạn chế thất thoát phân bón, lúa mau đẻ nhánh, bộ rễ ăn sâu, lúa ít đổ ngã hơn. Thực hiện theo mô hình mới giúp giảm chi phí đầu tư khoảng từ 3 - 4 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống.
Theo ông Dương Văn Hải - Giám đốc HTX An Phong, qua 4 vụ thực hiện mô hình, ông và tất cả những hộ nông dân tham gia mô hình đều “thuộc lòng” các khâu trong quy trình kỹ thuật giảm giá thành sản xuất lúa, nắm vững quy trình “1 phải, 5 giảm” và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa. Tham gia mô hình còn giúp nông dân biết cách quản lý nước hiệu quả theo quy trình ngập khô xen kẽ. Đồng thời, nông dân được hướng dẫn cách ghi chép sổ tay tình hình sản xuất để tính toán chính xác hiệu quả sản xuất lúa mỗi vụ. Theo đó, chi phí sản xuất lúa trong mô hình thấp hơn bên ngoài khoảng 400 - 600 đồng/kg nên lợi nhuận cũng tăng đáng kể. Vụ thu đông 2016, năng suất lúa trong mô hình đạt 7,5 tấn/ha với giá 5.100 đồng/kg, bình quân nông dân thu lợi nhuận cao hơn 3,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Từ hiệu quả mô hình đem lại, ông Trần Đắc Phấn - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tháp Mười cho biết, tính đến vụ đông xuân 2016 - 2017, mô hình “Giảm giá thành sản xuất lúa” đã được nhân rộng thực hiện trên 1.000ha tại các xã: Trường Xuân, Mỹ Hòa, Thạnh Lợi, Đốc Binh Kiều, Mỹ An và Tân Kiều. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cách thực hiện mô hình nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, hướng đến nền nông nghiệp bền vững và góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
NGÂN NGUYỄN