Giao thông đồng bộ - chất xúc tác cho khu kinh tế cửa khẩu

Cập nhật ngày: 20/01/2014 06:15:38

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế của tỉnh và nâng cao thu nhập của người dân vùng biên. Ông Nguyễn Văn Thể - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thông tin, nhiều dự án giao thông được thực hiện tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ hứa hẹn KKTCK sẽ là nơi kinh doanh tiềm năng...


Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp với nhiều tiềm năng lớn

Định hướng phát triển của KKTCK tỉnh đến năm 2030 là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế. Đây cũng là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, trước hết trong quan hệ với Campuchia.

Cấu trúc không gian KKTCK tỉnh Đồng Tháp được hình thành theo mô hình đô thị trung tâm Hồng Ngự và hai hành lang đô thị (hành lang Dinh Bà - Sa Rài và hành lang Thường Phước - Thường Thới) gắn với hai cửa khẩu quốc tế dựa trên các tuyến quốc lộ N1, 30, 30B và tỉnh lộ 841. Bên cạnh 2 cửa khẩu quốc tế này, KKTCK tỉnh Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc gia là Sở Thượng, Thông Bình và 3 cửa khẩu phụ gồm: Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú. Hai đô thị cửa khẩu Dinh Bà và đô thị cửa khẩu Thường Phước có 3 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 60ha...

Ban quản lý Khu Kinh tế cho hay, KKTCK hiện nay có 50ha đất sạch đủ điều kiện về hạ tầng để các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án đầu tư với thời gian nhanh nhất. Đồng thời khi doanh nghiệp vào đầu tư sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi nổi bật, giảm tiền sử dụng đất 30 - 50%. Theo đó được miễn tiền thuê đất từ 11 - 15 năm, sau thời gian này sẽ tiếp tục được giảm 30%.

Đồng thời điểm nổi bật trong chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh là hàng hóa từ khu phi thuế quan xuất ra nước ngoài hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thì không phải nộp thuế. Được miễn thuế đối với hàng hóa tái chế, sản xuất gia công tại đây khi xuất ra nước ngoài.

Hàng hóa dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ trong khu phi thuế quan và hàng hóa nhập từ nước ngoài vào tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng. Hàng hóa sản xuất nội địa ngoài khu phi thuế quan đưa vào tiêu thụ tại khu phi thuế quan thì áp mức thuế giá trị gia tăng 0%.

Đối với nhóm hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được nhập khẩu từ nước ngoài và từ nội địa vào khu phi thuế quan để tiêu thụ và xuất khẩu thì không chịu thuế tiêu thụ bắt buộc.

Thứ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định: “KKTCK của tỉnh có vị trí đặc biệt thuận lợi và đang đứng trước cơ hội lớn. Chỉ tỉnh riêng giao thông thủy chúng ta có thể chọn sông Tiền và sông Hậu đảm bảo vận chuyển hàng hóa cực tốt. Đồng thời có 2 tuyến kênh Trung Ương và Nguyễn Văn Tiếp hiện nay đang được nạo vét, theo kế hoạch cuối năm 2015 công trình sẽ hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giữa đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Riêng đối với giao thông thủy đối ngoại có tuyến kênh Mekong đi ngang KKTCK nối với thủ đô PnomPenh không chỉ cung cấp hàng hóa cho Campuchia và Thái Lan mà còn là chất xúc tác để khai thác thương mại thủy.

Theo đó, giao thông bộ cũng là một trong những điểm quan trọng thúc đẩy cho sự phát triển của KKTCK. Ông Nguyễn Văn Thể chia sẻ, tỉnh có tuyến Quốc lộ 1 đi qua kết nối giữa KKTCK với TP.HCM. Song song đó, ngoài quốc lộ 30 thì 2 tuyến đường bộ ĐT842 kết nối TX. Hồng Ngự với huyện Tân Hưng và tuyến ĐT.844 nối TX.Hồng Ngự đi Tháp Mười qua Long An cũng vô cùng quan trọng. Riêng tuyến đường ĐT.844 nối TX.Hồng Ngự đi Tháp Mười qua Long An, không có gì thay đổi đến tháng 6/2014 công trình hoàn tất sẽ thành con đường ngắn nhất đi từ TX.Hồng Ngự, thị trấn Sa Rài đến TP.HCM. Ngoài ra, đến năm 2017, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông quan trọng tạo động lực lớn phát triển KKTCK. Đồng thời, tỉnh có đường bộ quan trọng nối với đường Xuyên Á tạo thành trục gắn kết với trung tâm tỉnh PrayVeng và thủ đô của Vương quốc Campuchia. Và hiện nay bên Campuchia cũng đang xây dựng tuyến đường kết nối với cửa khẩu Thường Phước.

Cộng hưởng thêm vào những yếu tố tạo nên những bước ngoặc mới cho KKTCK hiện nay là khi Bộ Giao thông Vận tải cùng bộ ngành Việt Nam thống nhất toàn nội dung hiệp định vận tải giữa Việt Nam với nước bạn. Trong đó có nội dung thông xe liên vận quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Nếu trong thời gian tới, nội dung được thống nhất giữa 2 nước sẽ tiến tới kí hiệp định điều chỉnh trong năm 2014. Với sự kiện trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm thủ tục đi lại, giao lưu vận chuyển hàng hóa.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2013 giới thiệu tổng quan thành tựu tiềm năng và cơ hội phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ vùng ven sông Tiền, sông Hậu và dọc kênh sáng Lấp Vò - Sa Đéc; KKTCK của tỉnh, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Đồng Tháp đạt kết quả như hôm nay là nhờ động lực thúc đẩy rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Những kết quả mà tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp vẫn chưa làm UBND tỉnh hài lòng. Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, chúng tôi cam kết có những thay đổi trong thời gian tới tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng tốt hơn nữa, tối ưu hóa các tiện ích để phục vụ doanh nghiệp”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn