Hội sinh vật cảnh TP.Sa Đéc
Góp phần phát triển kinh tế địa phương
Cập nhật ngày: 27/08/2016 06:27:37
ĐTO - Đồng hành với sự phát triển kinh tế, phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở TP.Sa Đéc đã phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái và đưa nghề SVC trở thành lĩnh vực kinh tế cho thu nhập cao.
Các nghệ nhân của Hội sinh vật cảnh TP.Sa Đéc thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong nghề
Hội SVC TP.Sa Đéc hiện có 200 hội viên, trong đó khoảng 18 người được công nhận là nghệ nhân. Những năm qua, hoạt động của Hội SVC TP.Sa Đéc từng bước bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, điều này được khẳng định bằng việc tổ chức thành công các triển lãm, trưng bày, quy tụ những tác phẩm SVC đẹp, có giá trị, đưa ra giới thiệu với du khách gần xa. Với nguồn SVC đa dạng, phong phú, Hội SVC TP.Sa Đéc đã lựa chọn được hàng ngàn tác phẩm tiêu biểu tham gia trưng bày tại nhiều sự kiện quan trọng của địa phương, tham gia triển lãm trong và ngoài tỉnh, để lại nhiều ấn tượng đẹp. Thông qua những hoạt động này, các hội viên đã kết nối được với khách hàng, tạo thuận lợi cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Để giúp hội viên nâng cao tay nghề, Hội SVC TP.Sa Đéc thường xuyên tạo điều kiện cho hội viên đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh khác có phong trào Hội phát triển. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề hoa kiểng và thử nghiệm ứng dụng nhiều mô hình nuôi trồng kỹ thuật cao. Từ đây, phong trào SVC trên địa bàn TP.Sa Đéc có điều kiện phát triển thuận lợi.
Là một trong những nghệ nhân có tâm huyết, lâu năm với nghề, trải qua bao giai đoạn thăng trầm, hiện ông Lưu Văn Nết – hội viên Hội SVC TP.Sa Đéc lưu giữ hơn 500 tác phẩm nghệ thuật với đủ loại kiểu, dáng. Vừa chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, ông Nết tâm sự: “Đặc thù của nghề SVC là tính thẩm mỹ cao, các tác phẩm SVC có giá trị, được đánh giá cao phải đạt đến 3 yếu tố “cổ - kỳ - mĩ”. Do đó, để sở hữu tác phẩm có giá trị, người chơi phải dành nhiều thời gian tìm tòi, sưu tầm, sáng tạo nên các tác phẩm. Bản thân những hội viên, nhất là các nghệ nhân phải gắn bó, miệt mài, dành nhiều tâm huyết với tác phẩm của mình, chăm chút tất cả các công đoạn từ sưu tầm, tỉa dáng, gọt đẽo, chăm sóc...”.
Nhận thức được tiềm năng phát triển, thời gian qua, Hội SVC TP.Sa Đéc có nhiều nỗ lực trong hoạt động, cổ vũ và gợi mở cho hội viên đầu tư đúng hướng, phát huy thế mạnh của cây kiểng cỡ trung, tiểu, bonsai và các loại hoa, cây trang trí, đá cảnh, chim cảnh... Từ việc kinh doanh SVC góp phần mang lại doanh thu cho các hội viên hơn 100 triệu đồng/người/năm. Song song đó, chăm sóc hoa kiểng cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động của Hội SVC vẫn còn những khó khăn. Ông Bùi Ngọc Ẩn – Thư ký Hội SVC TP.Sa Đéc cho biết: “Tuy đã đi vào hoạt động hơn 15 năm nhưng đến nay Hội SVC TP.Sa Đéc vẫn chưa có trụ sở chính thức để các hội viên tổ chức họp, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm. Tôi cùng các hội viên mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, địa phương để hoạt động Hội SVC TP.Sa Đéc ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần mang lại hiệu quả cao nhất”.
Nói về những định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha – Phó Chủ tịch Hội SVC TP.Sa Đéc cho biết: “Tuy còn khó khăn về nhiều mặt nhưng với sự nhiệt tình, đoàn kết của hội viên và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Hội, Hội SVC mong muốn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tô điểm thêm cho bức tranh SVC TP.Sa Đéc hướng tới phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Hội SVC sẽ tiếp tục củng cố phong trào, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, tiếp thêm động lực thúc đẩy phong trào SVC của Sa Đéc tiếp tục vươn lên”.
Hoài Minh