Hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển
Cập nhật ngày: 15/11/2013 06:56:30
Ngoài việc đặt mục tiêu cho việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), tỉnh Đồng Tháp luôn xem doanh nghiệp là người bạn đồng hành. Đến năm 2015, tỉnh đặt ra kế hoạch phấn đấu thành lập mới trên 2.400 doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của DNVVN vào GDP của tỉnh chiếm từ 30 - 33%.
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ các chính sách giúp doanh nghiệp
ổn định phát triển
Giai đoạn 2011-2012, do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, lạm phát tăng, lãi suất cho vay cao đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của đại đa số các doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng.
Tuy nhiên, với những chính sách hỗ trợ kịp thời của Trung ương nhằm tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp qua các đợt điều chỉnh giảm lãi suất; chính sách miễn, giảm, giãn thuế cùng với sự quan tâm của địa phương đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh duy trì phát triển.
Theo báo cáo của tỉnh, trong giai đoạn nửa nhiệm kỳ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng. Trong năm 2011, có 380 doanh nghiệp thành lập mới, năm qua có 346 doanh nghiệp. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, có 569 doanh nghiệp thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên gần 3.400 doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tỉnh đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng về công tác quản trị, kỹ năng cho đối tượng này. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cho Hội Doanh nhân trẻ tổ chức các buổi “Điểm hẹn doanh nhân” nhằm chia sẻ những thông tin để các doanh nghiệp, các doanh nhân được học tập, trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, rút ra được bài học và giải pháp cho đơn vị mình trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan nhiều lần khẳng định, UBND tỉnh sẽ là người bạn đồng hành, giải quyết những khó khăn để giúp doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp còn là người tư vấn cho UBND tỉnh trong việc phát triển kinh tế của địa phương... Trên tinh thần đó, tỉnh hướng tới đẩy mạnh cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi tư duy về quản lý doanh nghiệp và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh được thuận lợi và phát triển, ngành thuế tổ chức triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thuế, in và sử dụng hóa đơn chứng từ. Cung cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp cài đặt, sử dụng các ứng dụng do Tổng cục Thuế cung cấp. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng phần mềm hỗ trợ để đăng ký, kê khai thuế.
Theo đó, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm đẩy mạnh, vì doanh nghiệp không cần gì khác ngoài sản phẩm được tiêu thụ. Hàng năm, địa phương tổ chức đoàn và hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tỉnh tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại các thị trường lớn như: Bỉ, Mỹ, Tây Ban Nha, các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Nhật Bản, Pháp, Liên bang Nga. Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đi khảo sát, nghiên cứu thị trường. Tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, quan hệ với tham tán thương mại ở một số nước để giới thiệu, khảo sát, nắm bắt cơ hội kinh doanh, tìm đối tác cho doanh nghiệp. Song song đó, đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu.
Ông Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi chia sẻ: “Thị trường đầu ra của sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, Bích Chi có cơ hội nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu, văn hóa ẩm thực của các nước Châu Âu, Châu Á để đáp ứng cho ra sản phẩm phù hợp. Vì thế, đến nay ngoài những thị trường truyền thống thì có nhiều thị trường mới như Ấn Độ, Nga, góp phần vào phát triển thị phần của doanh nghiệp”.
Theo thống kê, từ 2011 - 9/2013 tổng số hồ sơ các DNNVV đề nghị vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 532.676 hồ sơ. Đã giải quyết cho vay 530.603 hồ sơ, trong đó khách hàng vay là doanh nghiệp trên 6.900 hồ sơ.
Nhìn chung, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp có quan hệ vay vốn với tổ chức tín dụng chiếm 66,50% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Mặc dù được hỗ trợ từ những chính sách, tuy nhiên, các DNVVN còn gặp nhiều hạn chế khó khăn. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn lạc hậu, trình độ quản lý hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Một số doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do bản thân doanh nghiệp chưa đáp ứng các điều kiện vay.
Theo đó, hạ tầng giao thông kết nối với các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được hoàn thiện, khó thu hút đầu tư lớn. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng chiến lược lâu dài, thiếu liên kết hỗ trợ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường...
K.D