Hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại cho hộ sản xuất gạo, bún

Cập nhật ngày: 13/10/2021 06:23:16

ĐTO - Vừa qua, đoàn công tác của Sở Công Thương Đồng Tháp và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp (KC&TVPTCN) tổ chức nghiệm thu 2 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất bún và sản xuất gạo huyết rồng, bột gạo huyết rồng ở huyện Hồng Ngự và huyện Tam Nông. Đây là 2 đề án khuyến công địa phương nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ cải tiến máy móc thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường,


Đoàn công tác của Sở Công Thương Đồng Tháp và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp nghiệm thu đề án tại hộ kinh doanh Năm Đấu, huyện Tam Nông

Theo đó, tại huyện Tam Nông, Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp hỗ trợ hộ kinh doanh Năm Đấu đầu tư 1 máy tách màu, phân loại gạo, hạt; 1 máy xay xát gạo. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 618,5 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng, hộ kinh doanh Năm Đấu đối ứng 318,5 triệu đồng.

Các thiết bị máy móc đầu tư mới sẽ góp phần giúp cho hộ sản xuất tăng năng suất gạo huyết rồng 30.000kg/năm lên 70.000kg/năm và bột gạo lứt huyết rồng 5.000kg/năm lên 10.000kg/năm.

Tại huyện Hồng Ngự, đơn vị hỗ trợ là hộ kinh doanh Trần Vĩnh Phúc đầu tư 1 máy vắt bột và 1 máy đánh bột. Với tổng kinh phí trên 199 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 97,3 triệu đồng, đơn vị đối ứng là hơn 101,7 triệu đồng.

Theo Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp sau khi đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, sẽ góp phần giúp cơ sở tăng năng suất sản xuất bún từ 360.000 kg/năm lên 450.000 kg/năm. Bên cạnh đó, việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong quy trình sản xuất bún sẽ hạn chế tối đa phế phẩm trong quy trình sản xuất, sử dụng hiệu quả nguyên liệu nên giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm chi phí, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn