Hoạt động khuyến công
Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở hiện đại hóa quy trình sản xuất
Cập nhật ngày: 26/12/2017 08:48:45
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Đồng Tháp đã tích cực triển khai các đề án khuyến công. Thông qua đó, giúp nhiều cơ sở, doanh nghiệp hiện đại hóa máy móc, thiết bị sản xuất và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch block bê tông bọt HIDICO”, Công ty TNHH Bê tông nhẹ HIDICO
Việc triển khai các đề án khuyến công cũng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập hiệu quả.
Năm 2017, anh Trương Lê Huy Hoàng thành lập Cơ sở Quang Hiển (ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Châu Thành), chuyên sản xuất kinh doanh đặc sản nhãn hiệu “Khô trâu Đồng Tháp” và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Dự án “Sản xuất kinh doanh các sản phẩm chế biến từ thịt trâu organic” của anh cũng xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp lần thứ nhất. Cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp khác, thời gian đầu, quy trình sản xuất chủ yếu là làm thủ công, chất lượng sản phẩm không ổn định, bao bì chưa thu hút nên giá trị gia tăng sản phẩm chế biến chưa cao.
Được sự hỗ trợ của TTKC&TVPTCN Đồng Tháp, cơ sở đã đầu tư 1 máy sấy, 1 máy hút chân không và 2 máy thái thịt tự động trị giá hơn 320 triệu đồng. Trong đó, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2017, cơ sở được hỗ trợ 150 triệu đồng. Sau khi đầu tư máy móc, thiết bị mới, giá trị sản phẩm đã nâng cao đáng kể.
Tại các kỳ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm thông qua các Phiên chợ nông nghiệp xanh, hội chợ trong và ngoài tỉnh, sản phẩm “Khô trâu Đồng Tháp” được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, nhiều đối tác đến đặt vấn đề hợp tác kinh doanh. Đặc biệt, tại Hội chợ Công nghiệp, Thương mại đồng bằng sông Cửu Long – Đồng Tháp vừa qua, sản phẩm “Khô trâu Đồng Tháp” được UBND tỉnh công nhận và tôn vinh là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017”.
Ngoài các doanh nghiệp khởi nghiệp, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề truyền thống cũng được TTKC&TVPTCN Đồng Tháp quan tâm triển khai. Khu vực phía Nam sông Tiền tỉnh Đồng Tháp là cầu nối giữa hai vựa lúa lớn nhất cả nước là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên nên trở thành nơi thu gom, tập kết lúa gạo lớn nhất vùng.
Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm và sự lao động sáng tạo của người dân, nghề làm bột gạo truyền thống hình thành và phát triển gần 100 năm qua. Tuy nhiên, trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập, rất nhiều cơ sở còn sử dụng máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, thủ công, chưa sử dụng các dây chuyền công nghệ điều khiển tự động và bán tự động nên năng suất và sản lượng thấp.
Từ thực tiễn trên, năm 2017, TTKC&TVPTCN Đồng Tháp tích cực hỗ trợ nhiều cơ sở đầu tư máy móc hiện đại sản xuất bột và các sản phẩm sau bột như: Cơ sở sản xuất Bột lọc tươi Tài Dương đầu tư 2 máy hút bột chân không; Cơ sở Út Hiếu đầu tư 1 máy nghiền, 1 máy li tâm, 2 máy đánh tơi và 2 lò sấy; Cơ sở Trần Thị Kim Ửng đầu tư 1 máy hút bột chân không; Cơ sở Phú Quý I đầu tư 1 máy ép hấp bún và 1 máy tráng hủ tiếu; Cơ sở Lê Quang Cường đầu tư 1 máy hút bột chân không; Công ty Cổ phần XNK Nguyên Hậu đầu tư 1 máy sấy. Các đề án khuyến công công đã góp phần to lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu hướng vào chế biến sâu các sản phẩm sau gạo, sản phẩm có ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, tiến tới xóa bỏ toàn gạch đất sét nung, năm 2017, TTKC&TVPTCN Đồng Tháp tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung đầu tư máy móc thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung.
Trong đó, đã triển khai thành công 1 đề án khuyến công Quốc gia “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch không nung” cho Công ty TNHH Gạch công nghệ cao Huỳnh Gia, vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng và 2 đề án khuyến công địa phương: “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung công nghệ ép rung thủy lực” cho Công ty TNHH Tín Phát Cao Lãnh, tổng vốn đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 500 triệu đồng; “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gạch block bê tông bọt HIDICO” cho Công ty TNHH Bê tông nhẹ HIDICO, vốn đầu tư 632 triệu đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng.
Để các hoạt động khuyến công có chiều sâu và hiệu quả, TTKC&TVPTCN luôn theo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở, doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp khởi nghiệp để kịp thời có những tư vấn, hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và nâng sức cạnh tranh để phát triển vững mạnh. Từ đó, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Minh Triết
(Trung tâm KC&TVPTCN)