Hoàn thiện chính sách phát triển thương hiệu cho hàng nông sản

Cập nhật ngày: 18/03/2024 17:56:38

ĐTO - Ngày 18/3, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức.


Quang cảnh hội thảo

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 53,01 tỷ USD. Hiện, Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó, có 6 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới. Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh và chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Có tới 80% sản lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm Việt Nam được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn bị xâm phạm ở nước ngoài: ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột… Hiện chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” (Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt mang lại hiệu quả, cần chú ý 4 nội dung: Một là, rà soát lại thế mạnh nông sản của từng địa phương; Hai là, xây dựng khung hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm mang tính chất thương hiệu quốc gia; Ba là, chú ý hệ sinh thái và phát triển thương hiệu và cuối cùng là cơ chế quản lý. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên thế mạnh nông sản của từng địa phương đang là một trong những xu thế được đánh giá mang lại hiệu quả bền vững. Khi có thương hiệu dựa trên thế mạnh địa phương, có hệ thống tiêu chuẩn gắn với chỉ dẫn địa lý sẽ dần dần kéo theo du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, thống nhất phải có thương hiệu để bảo vệ giá trị của nông sản Việt Nam. Theo đó Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản để trình Chính phủ. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc xây dựng nghị định này phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản, từ khâu chọn giống, gieo trồng đến lúc ra sản phẩm, đăng ký chất lượng quốc gia và quốc tế. Từ đó, phân định được trách nhiệm của từng cơ quan bộ, ngành, xem ai ở khúc nào, quản lý ở đâu. Để ra đời được nghị định này sẽ phải mất thời gian, chắc đến năm 2025 mới hoàn chỉnh để trình Chính phủ. Trong thời gian này, đề nghị các hiệp hội chọn ra ngành hàng chủ lực làm trước với quan điểm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu doanh nghiệp phải hài hòa, không làm triệt tiêu nhau. Sau ngành hàng chủ lực sẽ nghiên cứu thêm nhãn hiệu với ngành hàng giảm phát thải…

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn