Hướng đến đảm bảo an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản

Cập nhật ngày: 04/04/2013 19:45:20

Sáng 4/4/2013, tại UBND tỉnh Đồng Tháp, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan của tỉnh đã tham gia hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông - lâm - thuỷ sản năm 2013. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì ở đầu cầu Hà Nội.

Trong năm 2012, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, Bộ NN&PTNT còn đẩy mạnh công tác giám sát, thanh kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, qua kiểm tra, mức độ vi phạm ATTP của sản phẩm thủy sản chưa có chiều hướng giảm. Tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi vượt giới hạn cho phép trong năm 2012 là 1,5%. Ngoài ra, dư lượng thuốc BVTV trong rau vượt mức cho phép vẫn còn ở mức cao 96/1200 mẫu, chiếm 8%. Ô nhiễm vi sinh vật trong thịt lợn, gà tại các cơ sở giết mổ vẫn còn tiếp diễn…


Vùng rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự

Đối với tỉnh Đồng Tháp, trong năm qua, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời công tác quản lý chất lượng ATTP nông - lâm - thuỷ sản được chú trọng, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong toàn tỉnh, nhân dân cũng quan tâm thực hiện. Thời gian qua, đã thành lập đoàn kiểm tra hàm lượng chất cấm trên sản phẩm động vật ở 12 huyện thị thành phố. Hầu hết các mẫu đều không có chứa chất kích thích tăng trưởng Clenbuterol và Salbutamol. Ngoài ra, các ngành chức năng còn tiến hành kiểm tra đột xuất đối với chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở giết mổ, sơ chế và kinh doanh sản phẩm động vật tại các cơ sở kinh doanh… Kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều hộ sản xuất rau sử dụng nhiều thuốc BVTV dẫn đến dư lượng tồn đọng cao; sử dụng hàn the, phẩm màu trên các sản phẩm thịt. Theo thống kê của ngành, tổng số tiền xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trong năm qua là trên 340 triệu đồng….

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, mặc dù công tác quản lý chất lượng, ATTP nông – lâm - thủy sản đạt được những kết quả quan nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc và nguyên vọng của người dân. Trước thực trạng đó, đồng chí yêu cầu toàn ngành cần có những nỗ lực thực hiện để đạt kết quả cao hơn. Cụ thể, phấn đấu giảm 10% cơ sở đạt loại C và giảm 10% các vụ vi phạm an toàn thực phẩm so với 2012.

Để đạt được kết quả trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng các vùng giết mổ, sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thanh kiểm tra, quản lý các loại nông - lâm - thủy sản theo chuỗi để góp phần mang đến những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng…

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn