Hướng đi mới cho làng dệt choàng
Cập nhật ngày: 11/02/2016 07:01:33
Làng nghề dệt choàng kết duyên bền chặt với mảnh đất Long Khánh A, huyện Hồng Ngự ngót nghét khoảng 100 năm. Sự nhạy bén trong nắm bắt xu hướng thị trường, sản xuất theo nhu cầu, hướng tới làm ăn tập thể…đã tạo đòn bẩy cho làng nghề “vươn vai”.

Sản phẩm khăn choàng gây sức hút mạnh đối với các bạn trẻ
Khăn choàng lấn sân thời trang
Trở lại làng nghề sau nhiều năm, tiếng cọc cạch quen thuộc từ những khung dệt không còn nặng nề mà dường như vui tươi, thúc giục hơn. Chị Nguyễn Thị Kim Chiều (xã Long Khánh A), người gắn bó với làng nghề lâu năm cho biết: “Hiện làng nghề bắt đầu đổi mới sau thời gian yên ắng - sản phẩm làm ra chỉ bán cầm chừng, giữ khách”. Những “lát cắt” không hay trong kí ức của những người thợ bám nghề còn sót lại nhanh chóng được chị Chiều chuyển sang câu chuyện lạc quan hơn về bước đi mới của làng nghề.
Trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, mọi người hầu như sử dụng khăn choàng truyền thống (khăn rằn) bởi giá sản phẩm vừa túi tiền, đa năng, tiện dụng: để lau khô cơ thể, che nắng khi đi đồng, làm dụng cụ lược thực phẩm... Dần theo thời gian, những tính năng ấy được sản phẩm khác thay thế hiệu quả hơn. Những người thợ lành nghề đã “lái” khăn choàng sang hướng đi mới, gắn với thời trang, đưa khăn choàng từ đồng ruộng ra thành thị.
Dù chưa được đào tạo bài bản về thời trang nhưng qua cảm hứng sáng tạo từ cuộc sống, những người thợ đã phối màu cho sản phẩm, tạo nên dấu ấn rất riêng. Sản phẩm vừa đậm chất quê hương vừa pha chút hiện đại.
Ngoài 2 màu sắc trắng - đen truyền thống thì hiện nay trong “bộ sưu tập” khăn choàng mới, còn có thêm 10 màu sắc khác được dệt phối lạ mắt, tinh tế như: hồng - trắng, đen - đỏ, xanh - hồng... So với khăn choàng truyền thống, sản phẩm mới được đan dày hơn (2 lớp), 2 đầu khăn được tết tua rua mang lại cảm giác mới lạ, hợp thời trang hơn. Ngoài ra, sản phẩm khăn choàng còn được đóng hộp cẩn thận, sang trọng, rất phù hợp cho nhu cầu biếu tặng của người tiêu dùng.
Chính sự thay đổi đầy sáng tạo trên nền tảng truyền thống, khăn rằn Nam bộ hiện đã có sức hút lớn đối với thị trường, đặc biệt là các bạn trẻ. Khách du lịch đến tham quan tại Đồng Tháp cũng “phải lòng” sản phẩm này. Bằng sự tin yêu của người tiêu dùng gần xa, không võ đoán để nói rằng, khăn choàng Long Khánh mang thêm bên mình sứ mệnh quảng bá hình ảnh Đồng Tháp.
Hiện nay, khăn choàng dệt phối màu mới giá đắt hơn sản phẩm truyền thống gần như gấp đôi, dao động từ 40.000-60.000 đồng/sản phẩm. Đó là sự động viên rất lớn cho những nỗ lực sáng tạo của những người dân làng nghề. Chị Nguyễn Thị Kim Chiều chia sẻ: “Trước sức hút từ người tiêu dùng, sản phẩm đã mang lại thu nhập ổn định hơn thời gian trước, trung bình trên 100.000 đồng/người/ngày. Dù thu nhập này vẫn chưa có sự cải thiện lớn nhưng cũng tạo sự phấn khởi cho mọi người. Sự khởi đầu này cho chúng tôi bài học từ việc nên bán cái người tiêu dùng cần hơn là bán những gì chúng ta có”.
Hợp tác tạo sức mạnh lớn
Ý thức được việc hợp tác nhằm tạo sức mạnh cho làng nghề phát triển nên khi Hợp tác xã (HTX) dệt choàng Long Khánh A ra đời, dân làng nghề rất phấn khởi, tham gia.
Cô Nguyễn Thị Bé (xã Long Khánh A), người đã nhiều năm gắn bó cùng làng nghề lý giải: “Qua HTX, từng thành viên sẽ có trách nhiệm cùng nhau xây dựng sản phẩm, tìm đầu ra. Nếu chỉ “một mình một ngựa” sản xuất theo kiểu truyền thống thì sản phẩm làm ra sẽ thiếu sự cạnh tranh”. Cô Bé dẫn chứng, giá nguyên liệu được một người thợ mua về dệt chắc chắn phải cao hơn so với việc HTX mua với số lượng lớn. Với ưu điểm về làm ăn tập thể, sẽ góp phần hạ giá thành, giúp tăng lợi nhuận, tăng sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại.
Năm 2014, làng nghề dệt choàng Long Khánh A được UBND tỉnh chọn làm là sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu. Hiện UBND tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghề dệt choàng - ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Đây sẽ là những dấu mốc quan trọng để làng nghề phát triển.
Hiện chính quyền địa phương cũng nỗ lực để làng nghề thêm sức bật. Ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho hay: “UBND huyện đang chung tay với HTX tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến tìm thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện còn hướng đến sự kết hợp làng nghề gắn với du lịch nhằm tiếp tục tạo ra những giá trị mới cho làng nghề”.
Mùa xuân đang tràn ngập, với tín hiệu vui từ làng nghề sẽ là tia nắng ấm góp thêm vào bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà năm 2016 thêm khởi sắc.
Tú Lạc