Huyện Cao Lãnh quan tâm nâng cao chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực

Cập nhật ngày: 23/03/2024 05:18:40

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240323052026nang.mp3

 

ĐTO - Những năm qua, với việc đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các ngành hàng chủ lực của huyện Cao Lãnh có sự phát triển mạnh mẽ theo chiều sâu. Các mặt hàng nông sản thế mạnh của huyện như: xoài, sen, lúa gạo,… từng bước tạo được vị thế ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, đời sống và thu nhập của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên.


Sản phẩm xoài Cao Lãnh được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua chế biến và xuất khẩu

Với tổng diện sản xuất xoài khoảng gần 5.400ha và 100% diện tích canh tác xoài đều áp dụng kỹ thuật bao trái, sản xuất an toàn, VietGAP, huyện Cao Lãnh được biết là một trong những địa phương có vùng chuyên canh xoài xuất khẩu lớn của tỉnh Đồng Tháp. Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp chế biến, huyện Cao Lãnh có nhiều mô hình hay trong sản xuất, từ đó góp phần giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác, từng bước nâng cao chất lượng nông sản...

Bên cạnh chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, thời gian qua, huyện Cao Lãnh còn thực hiện nhiều mô hình hay về tiêu thụ và chuyển đổi số trên cây xoài như: mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh. Mô hình ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh được thực hiện với quy mô 500ha tại xã Mỹ Xương... bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nông dân trồng xoài chủ động được đầu ra, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất...

Bên cạnh chú trọng phát triển ngành hàng xoài, lúa gạo cũng là ngành hàng được huyện quan tâm phát triển. Theo đó, hàng năm, huyện Cao Lãnh có 81.500ha diện tích sản xuất lúa. Trong đó, khoảng 90% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao; khoảng 95% diện tích áp dụng các biện pháp giảm giá thành... Việc thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ được huyện quan tâm đẩy mạnh. Theo đó, diện tích liên kết tiêu thụ lúa hằng năm của huyện Cao Lãnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021, toàn huyện có 15.467ha thực hiện liên kết tiêu thụ, năm 2022 tổng diện tích liên kết tiêu thụ là 18.620ha; năm 2023 diện tích liên kết tiêu thụ là 25.723ha.

Huyện Cao Lãnh cũng là địa phương có diện tích sản xuất sen lớn của tỉnh. Thời gian qua, huyện cũng có nhiều giải pháp thúc đẩy ngành hàng sen phát triển. Hiện toàn huyện có khoảng 319,4ha diện tích canh tác sen, tập trung tại các xã: Phương Thịnh, Gáo Giồng, Mỹ Thọ... với tổng sản lượng 1.916 tấn gương/năm. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, việc thực hiện phát triển chuỗi giá trị ngành hàng sen, liên kết làm vùng nguyên liệu cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh...

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết, xác định xây dựng mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững là hướng đi tất yếu. Do đó, thời gian qua, huyện Cao Lãnh tích cực hỗ trợ nông dân và các địa phương xây dựng mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc trên nhiều loại cây trồng chủ lực của huyện. Đến nay, huyện Cao Lãnh được Cục Bảo vệ thực vật cấp 403 mã số vùng trồng. Trong đó, có 213 mã số vùng trồng trên cây ăn trái; 184 mã số vùng trồng lúa và 6 vùng trồng trên cây màu, với tổng diện tích 31.293,42ha.

Chính nhờ việc đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn, bền vững, có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận mã số vùng trồng... góp phần giúp cho nông sản của địa phương những năm gần đây nâng cao giá trị, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến địa phương thực hiện liên kết tiêu thụ... Để ngành nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng xanh - bền vững như định hướng chung của tỉnh, huyện Cao Lãnh đang hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn như: mô hình xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ bón lại cho đồng ruộng... Các mô hình đang nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của nông dân ở các địa phương.

Chia sẻ về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lãnh, ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, những năm qua, huyện Cao Lãnh là một trong những địa phương có nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và chế biến nông sản của doanh nghiệp. Đồng thời giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Với lợi thế sở hữu diện tích cây ăn trái lớn, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng theo chiều sâu kết hợp sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường... Để làm được vấn đề này, địa phương cần có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án về xử lý các phụ phẩm trong nông nghiệp; hướng dẫn người dân tự xử lý các phụ phẩm trong nông nghiệp và tái sử dụng lại cho chuỗi sản xuất. Đây là hướng đi tất yếu hướng đến ngành nông nghiệp xanh - bền vững trong tương lai...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn