Huyện Châu Thành phát triển ngành hàng chăn nuôi heo theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 06/07/2023 10:39:38

ĐTO - Thời gian qua, huyện Châu Thành đẩy mạnh phát triển chăn nuôi heo theo hướng tập trung, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đến người chăn nuôi, đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.


Huyện Châu Thành thực hiện sản xuất chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học

Huyện Châu Thành đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho ngành hàng heo, trong đó, phấn đấu cuối năm 2023, giá trị sản phẩm chăn nuôi heo đạt 30.798 triệu đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); đạt 14.127 ngàn con; giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn (tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt); hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi heo kiến thức về các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Huyện cũng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo các cơ chế, chính sách hiện hành. Theo đó, ngành chức năng thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, thẩm định, đánh giá hộ chăn nuôi đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường thì tiến hành hỗ trợ kinh phí theo các chế độ, chính sách.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện tăng cường việc kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo được kiểm soát chặt chẽ, việc tiêm phòng được thực hiện định kỳ theo quy định. Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường trong chăn nuôi heo được thực hiện thường xuyên; nhân viên thú y các xã, thị trấn đã nhận và cấp phát thuốc tiêu độc, sát trùng Benkocid cho các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại theo định kỳ. Ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, nhất là trong các tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường trong chăn nuôi heo do tỉnh phát động.

Bên cạnh đó, huyện khuyến khích đầu tư sản xuất con giống, giới thiệu các cơ sở sản xuất con giống có chất lượng, an toàn dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch cho các cơ sở chăn nuôi; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chọn mua con giống rõ nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín, có chất lượng. Địa phương kêu gọi, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi heo bằng cách liên kết, hợp tác đầu tư dưới hình thức cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin phòng, chống dịch bệnh, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi...

Công tác tuyên truyền, vận động trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi tự giác, tích cực tham gia tiêm phòng cho đàn heo; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng GAP, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu như: ASC, Global GAP và BAP... chủ động giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc; ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ động vật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các qui định về phòng, chống dịch... được ngành chức năng, các xã, thị trấn tăng cường thực hiện.

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn