Huyện đoàn Châu Thành hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế
Cập nhật ngày: 25/04/2022 09:02:20
ĐTO - Giúp thanh niên (TN) thuận lợi trên con đường khởi nghiệp (KN), lập nghiệp, Huyện đoàn Châu Thành đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, định hướng, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các TN KN. Qua đó, giúp nhiều TN thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án KN, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho TN.
Chị Phạm Thị Phước Vân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống từ việc khởi nghiệp sản xuất meo giống nấm
Từ năm 2017 đến nay, Huyện đoàn và các Xã, Thị trấn đoàn trong huyện Châu Thành tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích TN tham gia KN. Huyện đoàn đã tổ chức 17 diễn đàn khởi sự lập nghiệp, mời các TN có dự án, mô hình KN hiệu quả đến chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, thành công của bản thân khi tham gia KN, những điều cần có khi KN nhằm truyền cảm hứng, ý tưởng sáng tạo KN đến TN. Huyện đoàn và các Xã, Thị trấn đoàn cũng khảo sát, tập hợp các TN có nguyện vọng KN tham gia vào Câu lạc bộ KN huyện để được giao lưu, học tập kinh nghiệm khi KN. Thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ KN, các cấp bộ Đoàn trong huyện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các ý tưởng, mô hình KN của TN. Qua đó, thẩm định các ý tưởng, mô hình, dự án KN và hỗ trợ để TN thực hiện KN.
Đến nay, Huyện đoàn đã nhận ủy thác nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và nguồn vốn hỗ trợ TN KN từ Trung ương Đoàn giúp cho 15 TN được vay vốn KN, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ tập huấn kiến thức, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho TN KN. Với sự đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho TN thực hiện KN. Hiện nay, huyện Châu Thành có nhiều mô hình KN hiệu quả của TN như: sản xuất nhãn sấy; sản xuất khô trâu, khô gà và da cá tra sấy; sản xuất meo giống nấm; nuôi thỏ; nuôi dế; nuôi ốc bươu đen... Qua các mô hình KN, đã giúp cho nhiều TN phát triển kinh tế gia đình.
Như trường hợp của chị Phạm Thị Phước Vân (SN 1996, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành). Năm 2018, chị Vân tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học và làm việc cho một doanh nghiệp ở huyện với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Đến năm 2021, với mong muốn nâng cao thu nhập cho bản thân, chị Vân quyết định từ bỏ công việc hiện tại, chuyển sang KN với dự án sản xuất meo giống nấm. Các loại nấm như: bào ngư xám, sò xám, hoàng kim, hồng ngọc, hoàng đế...
Theo chị Vân, để sản xuất được meo giống nấm, chị thực hiện các công đoạn nuôi cấy meo giống nấm, chuẩn bị các bịch giá thể được làm bằng nguyên liệu rơm, bông vải, mùn cưa... rồi đem đi hấp. Sau đó, chị cho meo giống nấm đã nuôi cấy vào các bịch giá thể và ủ 14 ngày là cho ra sản phẩm meo giống nấm. Hiện nay, trung bình 1 tháng, chị Vân sản xuất và bán ra thị trường 2.000 - 3.000 bịch meo giống nấm, với giá bán từ 15 - 20 ngàn đồng/bịch. Sau khi trừ chi phí, chị có lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Chị Vân chia sẻ: “Trong quá trình KN, Xã đoàn giới thiệu cho tôi tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng, nuôi cấy meo giống nấm nên việc KN của tôi thuận lợi hơn. Với công việc này, tôi có thu nhập ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Huyện đoàn cũng đang hỗ trợ tôi vay vốn để đầu tư thêm nồi hấp, phòng nuôi cấy meo giống nấm, giúp tôi mở rộng sản xuất”.
Còn anh Huỳnh Minh Phụng (SN 2002, ngụ ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành) trước đây không có việc làm ổn định. Năm 2021, được Huyện đoàn vận động, anh Phụng đã KN với mô hình nuôi thỏ sinh sản. Ban đầu, anh mua 18 con thỏ (2 con đực, 16 con cái) về nuôi, sau 2 tháng cho thỏ phối giống để sinh sản. Theo anh Phụng, 1 con thỏ cái đẻ khoảng 8 lứa/năm, mỗi lứa 8 - 10 con. Anh Phụng tiếp tục nuôi thỏ con để bán thỏ thịt và tuyển chọn thỏ tốt để làm giống. Thỏ con nuôi 3 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 2,5 - 2,8kg là có thể bán thỏ thịt với giá từ 60 - 80 ngàn đồng/kg.
Nhờ cách làm này, từ 18 con thỏ ban đầu, đến nay, đàn thỏ của anh Phụng đã có trên 60 con. Hiện nay, mỗi tháng, anh Phụng bán khoảng 30 con thỏ thịt và thỏ con, sau khi trừ chi phí, anh lời khoảng 3 triệu đồng. Anh Phụng nói: “Nuôi thỏ cũng dễ, ngoài thức ăn, tôi còn đi cắt cỏ cho thỏ ăn thêm để đỡ tốn chi phí. Huyện đoàn cũng hỗ trợ cho tôi vay vốn 20 triệu đồng để làm lại chuồng trại. Hiện tại, tôi cho thỏ phối giống các lứa xen kẽ nhau nên có thỏ bán hàng tháng. Nhờ đó, có thu nhập ổn định, cuộc sống của tôi tốt hơn trước”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Muội - Bí thư Huyện đoàn Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, phong trào TN KN trên địa bàn huyện có sự lan tỏa, thu hút nhiều TN tham gia KN, góp phần giúp TN phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Huyện đoàn đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo KN trong TN. Đồng thời tập trung hỗ trợ cho TN vay vốn; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, kiến thức quản trị.. để tạo điều kiện thuận lợi cho TN KN hiệu quả.
MỸ XUYÊN