Kết nối cung - cầu nông thủy sản giữa các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh
Cập nhật ngày: 16/09/2021 08:46:53
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan tham dự tọa đàm “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM” cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành và 13 tỉnh, thành phía Nam.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản, thủy sản tại ĐBSCL gặp khó khăn. Trước tình trạng này, ngành chức năng đang dốc sức tìm các giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu ra nông sản cho nông dân.
TP HCM là thị trường tương đối lớn với 10 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người khá cao. Mỗi ngày, cần nhu cầu thực phẩm từ 10 - 12 ngàn tấn thông qua nhiều kênh cung ứng đa dạng: chợ đầu mối, chợ lẻ, siêu thị, thương mại điện tử… Dịch Covid-19 bùng phát gây ra tình trạng nguồn hàng ở các địa phương rất dồi dào nhưng ách tắc, không buôn bán được, giá cả nâng lên. Do vậy, ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm người dân. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống phân phối truyền thống phải tạm dừng, hàng hóa của nông dân không có đầu ra.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết, thời gian vừa qua, trong dịch bệnh khó khăn, Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã xây dựng các kịch bản kết nối tiêu thụ nông sản; hướng dẫn thu hoạch tại các vùng nuôi vùng trồng, tổ chức đi thăm đồng để kết nối tiêu thụ… Để sớm khôi phục sản xuất thì cần có sự thống nhất quan điểm liên kết giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ tỉnh này qua tỉnh khác thu hoạch, không phải mất thời gian xin phép lại từ đầu, bởi nông sản thì chỉ cần thu hoạch chậm nửa ngày hoặc một ngày là chất lượng đã khác.
Về phương án sản xuất, theo ông Nguyễn Phước Thiện, “3 tại chỗ” hay “4 tại chỗ” không thể kéo dài vì bất tiện và chi phí cao. Vì vậy, đề nghị ngành y tế đưa ra định hướng dịch tễ để trên cơ sở đó mở rộng sản xuất, từng bước tháo gỡ “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ”.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước khi sống chung với dịch bệnh, chúng ta phải sống chung với nhau. Theo đó, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, thương lái và người nông dân phải có tư duy sống chung với nhau, như ngồi chung một bàn tròn để cùng nhau chia sẻ, gỡ rối, không nên để bên này gỡ rồi còn bên kia làm rối hơn. Hiện tại không thể đạt được mong muốn mọi việc thuận lợi như chưa có đại dịch Covid-19, mà các giải pháp đưa ra với mong muốn góp phần tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, doanh nghiệp để hướng tới ngày mai xán lạn hơn.
Nguyệt Đỗ