Kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản góp phần nâng cao chuỗi giá trị

Cập nhật ngày: 26/02/2023 15:57:58

ĐTO - Vừa qua, Cơ quan phía Nam Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức chương trình giao lưu kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản. Chương trình nhằm tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho nông sản của các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung tiếp cận các kênh phân phối, người tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và cả nước.


Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành hỗ trợ nông dân trồng nhãn phát triển sản phẩm theo hướng an toàn, chuỗi giá trị

Nhiều giải pháp nâng cao giá trị nông sản

Theo UBND huyện Châu Thành, địa phương có tiềm năng, lợi thế về trái cây (nhãn, sầu riêng), cá tra và khoai lang, có vùng sản xuất tập trung lớn, sản lượng hàng năm đạt 40.000 tấn đối với nhãn; 11.500 tấn đối với sầu riêng; 82.500 tấn đối với khoai lang; 50.000 tấn đối với cá tra.

Song, có một thực tế, vùng trồng nông sản chủ lực của huyện Châu Thành tuy sản xuất có tập trung, nhưng thiếu sự liên kết hình thành các mô hình sản xuất lớn; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đổi mới quy trình trong sản xuất còn chậm; năng suất, chất lượng, giá trị nhiều loại nông sản còn thấp, giá thành một số sản phẩm còn cao so với yêu cầu xuất khẩu nên sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, nhiều diện tích tham gia liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản chủ lực với các doanh nghiệp theo chuỗi bền vững vẫn còn thấp.

Có thâm niên trong ngành xuất khẩu nông sản, bà Nguyễn Ngọc Thúy – Giám đốc Công ty TNHH TM Quốc tế NNT cho rằng: “Hiện tại, việc xuất khẩu các loại nông sản gặp nhiều khó khăn từ khâu vận chuyển đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vì xuất khẩu không phải con đường duy nhất để tiêu thụ nên cần góc nhìn bao quát hơn khi thị trường trong nước cũng là tiềm năng. Phải sản xuất song song giữa thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm tạo đầu ra bền vững. Điều này sẽ giải quyết được câu chuyện nhập trái cây ngoại nhưng xuất trái cây nội”.

Cũng theo bà Thúy, xoài cát chu vàng, nhãn, ổi phân phối tốt tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng... với giá bán cao hơn xuất khẩu. Để làm được nông sản chất lượng, các ngành, địa phương phải hỗ trợ nông dân sản xuất ra sản phẩm theo hướng an toàn, có bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời sản xuất nông sản kết hợp với các công ty du lịch lữ hành để nâng cao giá trị sản phẩm, giới thiệu quảng bá hình ảnh con người Đồng Tháp đến với du khách gần xa...

Còn ông Nguyễn Thanh Mộng – Giám đốc Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam cho rằng: “Để nâng cao giá trị nông sản, sản phẩm nông sản bán ra được người tiêu dùng biết đến từng quy trình sản xuất từ xuống giống đến thu hoạch, chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân địa phương phần mềm tích hợp thông tin đơn giản bằng việc tạo ra sản phẩm QR Code. Khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chỉ cần quét mã sẽ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ nông sản từ ngày gieo sạ đến thu hoạch; từng giai đoạn bón phân... Điều này vừa giúp nâng cao giá trị nông sản vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân”.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Trưởng Cơ quan Phụ trách phía Nam (Hội Làm vườn Việt Nam) cho biết: “Thời gian qua, nông sản cả nước luôn biến động theo thị trường. Song, điều đáng lo ngại do điều kiện kinh tế còn hạn chế, nông dân sản xuất theo tư duy cũ nên chú trọng năng suất. Do đó, để nâng cao giá trị, ngành nông nghiệp tỉnh phải chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng cho nông sản; phát triển một số loại cây trồng chủ lực có định hướng, tránh tình trạng được mùa mất giá; nông dân phải sản xuất theo nhu cầu thị trường và theo dõi tín hiệu thị trường để có phương án sản xuất phù hợp. Cùng với đó, phải cùng chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và nông dân để cùng nhau phát triển bền vững...”.

Hướng kết nối chuỗi nông sản bền vững

Theo UBND huyện Châu Thành, để phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực, địa phương sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm của từng địa phương (nhãn, sầu riêng, khoai lang, cá tra..); xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để hướng đến xây dựng quy trình sản xuất đạt quy chuẩn quy định.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, giới thiệu sản phẩm chủ lực tại các hội chợ, hội thi về sản phẩm nông nghiệp; liên kết các hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc liên kết làm đầu mối cho doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Về phương diện người nông dân, ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận cho biết: “Chúng tôi luôn tâm niệm làm nông sản sạch để phục vụ thị trường; làm ăn tử tế để mang sản phẩm chất lượng ra thị trường; tinh thần hỗ trợ cùng có lợi với doanh nghiệp. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất sạch, hữu cơ giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Đồng thời kiến nghị các ngành, các cấp huyện, tỉnh cần hỗ trợ cho nông dân thêm các khâu sơ chế sản phẩm nông sản; quy trình sản xuất vi sinh sinh học...”.

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian tới, địa phương cũng tập trung duy trì các mã số vùng trồng đã được cấp, thực hiện đăng ký cấp mới mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, đến năm 2025 đạt 100% diện tích cây ăn trái chủ lực có vùng trồng; duy trì phát triển vùng nguyên liệu sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực đạt VietGAP, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất về diện tích, sản lượng đạt chất lượng an toàn thực phẩm, bảo quản và chế biến thành những sản phẩm gia tăng giá trị”.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng: “Để nông sản vươn xa, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung phải tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, hỗ trợ tăng cường sản xuất, chế biến; chủ động quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp liên kết tập trung, có ứng dụng khoa học công nghệ theo quy trình khép kín. Từ đó, sản phẩm được đảm bảo với chất lượng giá trị cao, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được thị trường đón nhận. Đồng thời để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ đa kênh...”.

Theo bà Võ Phương Thủy – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, ngành công thương tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối hàng hóa nông sản cho nông dân. Trong đó, thực hiện theo đúng định hướng chung là chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy tín hiệu thị trường làm định hướng cho việc sản xuất; phối hợp với các ngành xác định các ngành hàng chủ lực, xác định điểm nghẽn từng thị trường để có hướng phát triển phù hợp; thay đổi tư duy sản xuất của nông dân với việc nâng cao giá trị nông sản. Cùng với đó, triển khai có định hướng Đề án tái cơ cấu công nghiệp song hành với tái cơ cấu nông nghiệp để đẩy mạnh chế biến rau, củ quả tươi, logictics,...

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn