Khai thác tốt tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Cập nhật ngày: 01/08/2021 06:35:36

ĐTO - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần vượt khó, sự đồng lòng của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đưa bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực…


Thủy sản chế biến - lĩnh vực mang tiềm năng lớn

Những tín hiệu lạc quan

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GRDP ước đạt 4,44% tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 đạt 2,27%). Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,73%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,69%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 5,73%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Ước giá trị tăng thêm nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 9.009 tỷ đồng, bằng 45,23% kế hoạch năm và tăng 2,73%, tương ứng 240 tỷ đồng so cùng kỳ. Các hợp tác xã và nông dân tiếp tục đẩy mạnh liên kết với DN, sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Hầu hết các hộ trồng lúa ứng dụng chương trình “1P5G”, “3G3T” vào sản xuất góp phần kéo giảm chi phí khoảng 109 - 145 đồng/kg so với cùng kỳ. Thời gian qua, giá lúa trên thị trường tăng mạnh giúp lợi nhuận tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,7 triệu đồng/ha, mang lại sự phấn khởi cho người trồng lúa.

Người dân tiếp tục luân canh trồng lúa với trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày tại các vùng sản xuất có điều kiện, phù hợp nhu cầu thị trường. Trong 6 tháng đầu năm, giá bán một số hoa màu chủ lực chỉ tương đương so cùng kỳ, lợi nhuận tăng bình quân khoảng 17,45 triệu đồng/ha. Tình hình tiêu thụ trái cây tương đối chậm, giá bán giảm nên lợi nhuận bình quân giảm khoảng 88 triệu đồng/ha so cùng kỳ. Lĩnh vực chăn nuôi khá ổn định, cung ứng khoảng 22.900 tấn thịt hơi, tăng 3,25% so cùng kỳ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Tổng diện tích thả nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt 3.800ha, giảm 28,54% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình thả nuôi cá tra tiếp tục được duy trì, đảm bảo sản lượng cung ứng cho chế biến với 197.400 tấn cá nguyên liệu.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp ước đạt 33.652 tỷ đồng, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 54,52%. Đáng quan tâm, thời gian qua tỉnh đang triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm mô hình phát triển điện mặt trời kết hợp với trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và triển khai thí điểm lắp pin năng lượng mặt trời tại một số hộ dân. Điện mặt trời áp mái với công suất lắp đặt khoảng 187MW, sản lượng đạt khoảng 151 triệu kWh. Sau khi sử dụng, lượng điện còn dư khoảng 110 triệu kWh phát lên lưới điện, các DN và hộ dân được Công ty Điện lực Đồng Tháp trả tiền khoảng 213 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Với chủ trương đồng hành cùng DN từ cấp tỉnh đến cơ sở, chủ động tiếp xúc và tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tính đến đầu tháng 7, có 304 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.535 tỷ đồng, tăng 17,4%, quy mô vốn tăng trên 1.300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Công tác xúc tiến đầu tư được tập trung thực hiện, thu hút các nhà đầu tư đến làm việc, tìm hiểu để cùng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đến đầu tháng 6, tỉnh thu hút thêm 13 dự án được chấp thuận chủ trương/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 835 tỷ đồng.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá. Ước tính trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 50.728 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động xuất, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 606 triệu USD, tăng 27,13% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 50,08% so với kế hoạch.

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhận định, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các ngành, các cấp góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng hơn so với năm 2020. Với kết quả đó sẽ tạo “cú hích” giúp Đồng Tháp đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.


Lúa gạo, mặt hàng thế mạnh của tỉnh

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng các khu vực kinh tế

Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong 6 tháng cuối năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Quyết tâm phấn đấu tăng trưởng đạt 9,24% trong 6 tháng cuối năm 2021 và hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, nhằm đạt mục tiêu kế hoạch năm 2021 đề ra, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt giá trị tăng thêm nông, lâm, thủy sản cả năm là 19.918 tỷ đồng, tăng 3,7% so cùng kỳ.

Trên tinh thần đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện phát triển diện tích gieo trồng lúa vụ thu đông đạt diện tích 120.000ha; hoa màu vụ thu đông đạt trên 7.000ha; phát triển mô hình sản xuất nấm kết hợp với dự án năng lượng mặt trời. Đồng thời khuyến khích chuyển dịch cơ cấu sang giống hoa cho giá trị cao phục vụ thị trường Tết, liên kết sản xuất theo đặt hàng của DN đảm bảo giá trị sản xuất hoa kiểng đến cuối năm đạt 4.951 tỷ đồng.

Ngoài ra, phát triển diện tích cây ăn trái thêm 3,9 ngàn hecta, đảm bảo giá trị sản xuất cây ăn trái đến cuối năm đạt 4.500 tỷ đồng; phát triển mô hình chăn nuôi, kiểm soát chất lượng con giống, khuyến khích phát triển con giống tại chỗ. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển diện tích thả nuôi thủy sản đạt 5.750ha, đảm bảo giá trị sản xuất thủy sản cả năm đạt 11.957 tỷ đồng.

Theo Sở Công Thương, để đạt mức tăng trưởng (GRDP) của tỉnh năm 2021 là 7% thì 6 tháng cuối năm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp phải đạt 6.131 tỷ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 38.911 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng cuối năm cần đạt trên 57.200tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng cuối năm phải đạt 551 triệu USD.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ngành công thương sẽ quyết tâm phấn đấu nhằm đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm.

Ngành công thương sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các DN thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ổn định sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa công suất 9 dự án đi vào hoạt động (chế biến thủy sản; thức ăn chăn nuôi và bột cá; vật liệu xây dựng; sản xuất phân bón; may mặc; xay xát và lau bóng gạo; dầu gạo); đưa 5 dự án đang vận hành thử vào hoạt động chính thức. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025; phát triển năng lượng tái tạo; hỗ trợ DN tham gia chương trình ứng dụng thương mại điện tử...

Với quyết tâm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiên “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch Covid-19”. Đồng thời đề nghị các ngành, địa phương khai thác tốt dư địa các khu vực để tạo động lực giúp tăng trưởng kinh tế. Theo đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khôi phục chăn nuôi, phát triển cây ăn trái mang lại giá trị cao. Đặc biệt là sản xuất lúa vụ 3 và thủy sản. Đây là khu vực có dư địa phát triển còn rất lớn.

Khôi phục sản xuất đối với DN, cơ sở hộ kinh doanh là một trong những yếu tố tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành hữu quan đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN, cơ sở sản xuất phát triển. Đồng thời kích hoạt 9 dự án mới đi vào hoạt động nhằm tạo ra giá trị mới đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh...

Theo Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa, dự báo 6 tháng cuối năm tình hình không có nhiều thuận lợi, tuy nhiên với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị cộng đồng DN và người dân sẽ biến “nguy thành cơ hội”.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn