Khâu giải phóng mặt bằng ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư
Cập nhật ngày: 07/08/2022 06:01:41
Tổng số kế hoạch vốn năm 2022 (kể cả vốn năm 2021 kéo dài chuyển sang) của tỉnh là 5.752,835 tỷ đồng; giải ngân đến ngày 30/7 là 1.794,455 tỷ đồng, đạt 31,19%, cao hơn 12,95% so với cùng kỳ (giải ngân đến ngày 30/7/2021, đạt 18,24%).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của tỉnh như: sự chênh lệch giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đất do nhà đầu tư đền bù, bao gồm cả diện tích theo cơ chế thỏa thuận, dẫn tới sự so sánh của người dân, khiếu nại, khiếu kiện... công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi; quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai minh bạch. Bên cạnh đó, khâu tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư còn thiếu sự quyết liệt, chưa sát sao, chưa chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, UBND tỉnh đã có nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương. Trong đó, các sở, ban, ngành tỉnh là chủ đầu tư dự án, công trình và UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị và địa phương mình; phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án (DA); tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các DA, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Đồng thời theo dõi, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các DA chậm giải ngân sang các DA có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán các DA thu hồi ứng trước trong năm 2022...
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại kế hoạch tổng thể từng DA để làm cơ sở đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện (nhất là các DA, công trình quan trọng sử dụng vốn lớn và nhiều nguồn vốn), kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn hằng năm của chủ đầu tư để phù hợp với tiến độ thực hiện giữa các DA; phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát một số DA quan trọng, công trình trọng điểm và chủ đầu tư có vốn bố trí lớn, tham mưu UBND tỉnh quản lý và điều hành sớm đưa DA hoàn thành trước tiến độ đề ra. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiên quyết điều chuyển vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 của các DA chưa đủ thủ tục bố trí hoặc thực hiện chậm sang DA khác đã đảm bảo đủ thủ tục.
TN