Khi “Hai Lúa” trở thành nghệ nhân

Cập nhật ngày: 28/02/2014 04:40:59

Dù không được đào tạo qua trường lớp điêu khắc nào, lại xuất thân trong một gia đình thuần nông, song với niềm đam mê, mày mò tự học, ông Nguyễn Văn Út (SN 1954) ngụ ấp 3, xã Mỹ Ngãi, TP. Cao Lãnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm điêu khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao.


Ông Út say sưa làm việc bên các tác phẩm mới

Từ một nông dân quanh năm quen với ruộng đồng, nghề “thổi hồn cho gỗ” đến với ông Út thật tình cờ. Khoảng 10 năm trước, trong một lần xem truyền hình, ông vô tình bắt gặp hình ảnh một nghệ nhân dùng gốc cây vú sữa lâu năm chế tác thành một tác phẩm điêu khắc rất ấn tượng. Chính hình ảnh ấy đã truyền cho ông nguồn cảm hứng mạnh mẽ, giúp ông mạnh dạn bước vào con đường nghệ thuật mới mẻ này ở tuổi “ngũ tuần”.

Dù không được học hành nhiều, song ông Út rất có năng khiếu về hội họa và tạo hình bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Ngay từ bé, những lúc chăn trâu trên đồng, ông thường cùng bạn bè lấy đất sét nhào nặn thành hình con trâu, con bò, con cá... sống động như thật. Chính năng khiếu trời phú ấy đã giúp cho ông thành công ngay từ những tác phẩm đầu tiên, dù chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Ông Út tâm sự: “Do ban đầu không có nhiều kinh nghiệm nên các tác phẩm đầu tay chưa tạo ấn tượng. Song nhờ anh em trong nghề hướng dẫn và khách hàng góp ý nên tôi mới có được những tác phẩm ngày một hoàn thiện hơn”.

Với năng khiếu và tay nghề của mình, từ những gốc cây bình thường trong vườn nhà như: vú sữa, bằng lăng, sao... qua bàn tay tài hoa của ông đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo: tác phẩm 12 con giáp, bộ tứ linh long lân quy phụng, tác phẩm mô phỏng tích “Thoại Khanh Châu Tuấn” và nhiều tác phẩm độc đáo khác. Mỗi tác phẩm mang một vẻ đẹp và có sức hút riêng, có giá trị từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Những năm gần đây, ông Út còn tham gia trưng bày tác phẩm ở hội chợ hoa xuân của TP.Cao Lãnh. Đây còn là dịp để ông tiếp cận với thị hiếu khách hàng. Ông Út cho biết: “Bên cạnh những khách hàng có nhu cầu mua những tác phẩm lớn vài chục triệu thì phần lớn khách hàng ở địa phương mình lại có xu hướng mua các tiểu phẩm chưng trong nhà khoảng 1 triệu đồng trở lại. Tết này, nhiều tác phẩm được tạo hình con ngựa, con rồng, con khỉ... được nhiều khách hàng tìm mua với mong muốn đem lại may mắn cho gia đình”.

Theo ông Út, trong nghệ thuật điêu khắc gỗ, yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại của tác phẩm là tay nghề của nghệ nhân. Khi đặt dụng cụ đục vào thân cây là người thợ đã hoàn thành bước phác thảo hình khối tác phẩm trên bản vẽ. Bởi vậy, muốn theo nghề này, trước tiên người thợ phải có năng khiếu về hội họa sau đó mới tính đến chuyện chạm khắc. Tùy thuộc vào vóc dáng, hình khối của mỗi gốc cây mà người thợ ước lượng, tính toán cho phù hợp. Có khi đem một gốc cây về nhà nhưng phải ngắm tới, ngắm lui nung nấu ý tưởng rồi mới làm. Vì tác phẩm làm ra không những đẹp mà còn phải có hồn.

Ông Út chia sẻ: “Để các sản phẩm sống động như thật, tôi thường xuyên xem chương trình thế giới động vật để có thể truyền được thần thái của con vật vào tác phẩm một cách sinh động nhất. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với kết quả hiện tại, nếu có điều kiện đi tham quan học tập ở những nơi khác, tôi nghĩ sẽ rất bổ ích cho các tác phẩm sau này của mình”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: “Đây là một ngành nghề còn khá mới và có tiềm năng phát triển ở địa phương. Vì vậy, đối với các cá nhân, cơ sở có nhu cầu về dạy nghề hoặc hỗ trợ máy móc sản xuất thì cần mạnh dạn đề xuất để được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Ngoài ra, hằng năm Trung tâm cũng tổ chức nhiều chương trình đi tham quan học tập kinh nghiệm dành cho các cơ sở và cá nhân có nhu cầu học hỏi nâng cao tay nghề”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn