Khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu

Cập nhật ngày: 22/02/2016 12:37:13

Đồng Tháp  đang triển khai thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào xây dựng dự án, phương án hoặc kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu được UBND tỉnh phê duyệt. Hầu hết các doanh nghiệp đang trong quá trình soạn thảo, chỉnh sửa để hoàn chỉnh dự án, phương án.

Cụ thể, theo Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư hướng dẫn số 15 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp đang xây dựng phương án xây dựng vùng nguyên liệu và đang trong quá trình hoàn chỉnh phương án: Công ty TNHH MTV chế biến lương thực Tân Hồng, Công ty CP Sài Gòn Lương Thực, Công ty TNHH TM XNK Lộc Anh, Công ty Lương Thực Đồng Tháp, Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang.

Riêng Quyết định số 606 của Bộ Công Thương về việc ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020 tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu, chủ động trong sản xuất, kinh doanh; nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, giải quyết các tranh chấp. Theo đó, người nông dân an tâm khi lúa sản xuất ra được tiêu thụ hết.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện Quyết định số 606 của Bộ Công Thương, địa phương đã ghi nhận một số khó khăn. Theo Sở Công Thương, hiện nay số lượng các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo còn rất ít, chủ yếu thu mua thông qua thương lái, nên trong thời gian ngắn các doanh nghiệp chưa tổ chức cũng như chuyển đổi phương thức thu mua và đủ năng lực tham gia xây dựng vùng nguyện liệu lúa gạo cho mình.

Để tham gia xây dựng vùng nguyên liệu cần rất nhiều vốn trong khi năng lực vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế, việc tiếp cận với tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Đối với phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo cho các doanh nghiệp tuy có cải tiến nhưng chưa thật sự thúc đẩy quá trình liên kết tiêu thụ lúa của nông dân, chưa kích thích được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Về thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp thường không ổn định, thường xuyên bị cạnh tranh về giá và phải tự tìm kiếm thị trường để có được đầu ra. Do vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu khó có thể ổn định và bền vững.

Với những thực trạng trên, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương cụ thể hóa các quy định trong Quyết định số 606 để các địa phương dễ triển khai thực hiện. Ngoài ra, đề nghị xác nhận kết quả thu mua cho các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với đại diện của nông dân nhưng chưa xây dựng phương án, dự án, kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trong năm 2016.

Trong năm 2016, Sở Công Thương hướng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu là tuyên truyền vận động nông dân tham gia hợp tác xã, tham gia xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện tốt các hợp đồng đã ký. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu với phương thức đầu tư khép kín từ đầu vào đến tiêu thụ lúa. Song song đó, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu lúa gạo; giới thiệu và quảng bá sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn