Kiên quyết đấu tranh với các lợi ích nhóm trong ngân hàng
Cập nhật ngày: 10/10/2012 07:38:49
Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình trong trả lời phỏng vấn Chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, tối 7/10. Báo Đồng Tháp xin lược ghi nội dung trả lời của Thống đốc.
Những năm qua, hệ thống ngân hàng (NH), đặc biệt là hệ thống Ngân hàng Thương mại Cổ phần (NHTMCP) phát triển rất mạnh, đôi khi là quá “nóng”. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước của NHNN đối với hệ thống NH nói chung và các NHTMCP còn rất nhiều bất cập. Hệ thống văn bản, thể lệ, chế độ quản lý hoạt động các NHTM không theo kịp với tốc độ, trình độ phát triển của các NHTMCP, dẫn tới có nhiều bất cập, nhiều lổ hổng gây khó khăn cho công tác quản lý các tổ chức tín dụng (TCTD). Kế đến là hoạt động thanh tra, giám sát không phát huy hiệu quả, đôi khi chúng ta phải thừa nhận buông lỏng công tác này.
Từ chỗ phát triển hệ thống nhanh, nóng, công tác quản lý nhà nước thời gian qua chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều hệ lụy đặt ra cho hôm nay mà chúng ta phải chấn chỉnh. Một trong những hệ lụy đó là xuất hiện các lợi ích nhóm. Có các nhóm lợi ích xuất hiện trong mỗi một NH cũng như là trong cả hệ thống NH, có thể thao túng hoạt động của một NH và ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Vừa qua, trong chương trình tái cấu trúc hệ thống NHTM, mà đặc biệt là các NHTMCP bằng cách triển khai các hoạt động thanh tra, giám sát một cách quyết liệt, bài bản và hiệu quả, thì tất cả những nội dung đó đã được phơi bày. Chúng tôi thấy rằng có những NH thì chỉ do một, hai hoặc một nhóm cổ đông chi phối và dư nợ của NH chiếm 70-90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Đặc biệt, nhóm cổ đông này sử dụng vốn NH không hiệu quả, gây thất thoát vốn, có những NH buộc phải nằm trong chương trình tái cơ cấu của NHNN.
Phần lớn các TCTD, phần lớn các cổ đông này nhận thức được vấn đề và phối hợp chặt chẽ với NHNN đưa ra những phương án xử lý, nhưng bên cạnh đó vẫn có một bộ phận cổ đông hoặc nhóm cổ đông chống đối dưới hình thức trước mặt các cơ quan quản lý nhà nước như NHNN thì họ buộc phải chấp nhận vì đó là những bằng chứng rất rõ ràng, nhưng mặt khác thì họ cấu kết với các phần tử xấu trong nước, thậm chí là những phần tử phản động ở nước ngoài, đưa những thông tin thất thiệt, làm bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bóp méo thực tế tái cấu trúc lại hệ thống NH, gây hoang mang trong dư luận, gây hoài nghi trong cán bộ lãnh đạo các cấp vào chương trình tái cơ cấu lại các TCTD ở Việt Nam, để làm cho cơ quan quản lý nhà nước chùn bước trong việc xử lý các vấn đề này. Từ đó, hình thành những tin đồn ngoài thị trường về các nhóm lợi ích trong quá trình tái cơ cấu.
Ban Cán sự Đảng, ban lãnh đạo NHNN nhận thức rất rõ vấn đề lợi ích nhóm, đó là rào cản lớn nhất trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NH Việt Nam, nên ngay từ đầu, chúng tôi xác định kiên quyết đấu tranh chống lại lợi ích nhóm. Gần đây, qua đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, Ban Cán sự Đảng NHNN Việt Nam đã kiểm điểm hết sức sâu sắc về vấn đề này. Và kết thúc đợt kiểm điểm, thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận không có lợi ích nhóm trong tập thể, cũng như cá nhân trong Ban Cán sự Đảng NHNN Việt Nam. Còn chúng tôi vẫn kiên quyết và không chùn bước trong việc đấu tranh với các lợi ích nhóm để làm sao xử lý được các NHTM, trước mắt là các NHTM yếu kém, mang lại sự lành mạnh cho từng TCTD, cũng như cả hệ thống TCTD.
TN