Kinh tế tập thể góp phần nâng cao đời sống cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 08/11/2023 16:16:57
ĐTO - Lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Các HTX trên địa bàn tỉnh từng bước hoạt động có hiệu quả, chú trọng ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sử dụng thiết bị bay phun phân, thuốc tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò)
Tỉnh có 987 tổ hợp tác (THT) với 47.251 thành viên (năm 2023, ước doanh thu bình quân của 1 THT là 391 triệu đồng, lãi bình quân của 1 THT là 115 triệu đồng); có 235 HTX với 60.288 thành viên (năm 2023, doanh thu bình quân của HTX là 2.396 triệu đồng, lãi bình quân của 1 HTX là 280 triệu đồng).
Ước đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 193 HTX nông nghiệp, chiếm 82,12% so với tổng số HTX của toàn tỉnh với 30.336 thành viên (bình quân 157 thành viên/HTX). Ước doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp là 2.396 triệu đồng; lợi nhuận bình quân của 1 HTX 294 triệu đồng/năm.
Trên địa bàn tỉnh có 17 quỹ tín dụng nhân dân (QTD) đang hoạt động, chiếm 7,23% so với tổng số HTX của toàn tỉnh với 24.536 thành viên. Nhân sự đang làm việc thường xuyên tại QTD là 163 người, thu nhập bình quân của nhân viên QTD là 88 triệu đồng/người/năm. Doanh thu của các QTD là 6.930 triệu đồng/năm; lãi bình quân 710 triệu đồng/năm/QTD. Các QTD làm tốt công tác vận động người dân gia nhập QTD, huy động vốn tại chỗ để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn cho thành viên vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các mục tiêu Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo và hạn chế hoạt động cho vay lãi nặng (tín dụng đen) trên địa bàn nông thôn.
Lĩnh vực vận tải, có 15 HTX, chiếm 6,38% tổng số HTX của tỉnh với 6.926 phương tiện, 6.763 thành viên. Ước doanh thu bình quân năm 2023 của 1 HTX là gần 1,3 tỷ đồng (bao gồm doanh thu đối với thành viên và doanh thu đối với thị trường bên ngoài thành viên). Sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ thời gian qua đã tạo điều kiện cho hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng dịch vụ phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh có 5 HTX thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp với 60 thành viên và 5 HTX lĩnh vực thương mại - dịch vụ với 65 thành viên, chiếm 4,25% tổng số HTX của tỉnh. Hoạt động của các HTX góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống.
Theo dự báo, hợp tác quốc tế ngày càng phát triển, các chuỗi cung ứng toàn cầu tạo sự liên kết chặt chẽ của nền kinh tế thế giới, khu vực KTTT, HTX có cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT, HTX được Đảng, Nhà nước ban hành như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; Luật HTX số 17/2023/QH15... tạo điều kiện thúc đẩy khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, khu vực KTTT, HTX vẫn còn khó khăn, hạn chế như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm; mối liên kết, hợp tác sản xuất và thương mại giữa HTX và doanh nghiệp phát triển chưa bền vững; đa số là người lớn tuổi tham gia vào khu vực HTX, người trẻ tuổi ít quan tâm đến khu vực HTX; trình độ lao động, quản lý trong HTX còn hạn chế, đặc biệt về công nghệ và tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường; một số HTX vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Tỉnh khuyến khích thành lập mới HTX đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có định hướng phát triển tốt, nhân sự có năng lực, tâm huyết; xây dựng và phát triển mô hình KTTT, HTX bền vững, tập trung phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, HTX liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, thích ứng hội nhập và biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ HTX chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, phân phối hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng thương mại điện tử; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội quán gắn với liên kết tiêu thụ, gắn với sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của địa phương, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Năm 2024, tỉnh tiếp tục đề ra giải pháp xây dựng và phát triển KTTT, nòng cốt là HTX đa dạng quy mô và lĩnh vực hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX thông qua tư vấn, hỗ trợ, củng cố, kiện toàn các HTX đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; hỗ trợ 5 HTX thuộc Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 2/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng; thành lập mới 7 HTX, nâng toàn tỉnh có 242 HTX với khoảng 62.800 thành viên (doanh thu bình quân của 1 HTX là 2.516 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động là 81 triệu đồng), thành lập mới 1 Liên hiệp HTX hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực chủ lực của tỉnh; phấn đấu toàn tỉnh có 1.018 THT với khoảng 51.700 thành viên (doanh thu bình quân 541 triệu đồng/THT, lợi nhuận bình quân 144 triệu đồng/THT).
TN