9 tháng đầu năm

Kinh tế - xã hội huyện Cao Lãnh chuyển biến tích cực

Cập nhật ngày: 18/10/2016 06:14:52

ĐTO - Trong 9 tháng đầu năm 2016, kinh tế - xã hội huyện Cao Lãnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, các cấp huyện để tháo gỡ nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm.


Du lịch sinh thái - một trong những thế mạnh của huyện Cao Lãnh

Theo UBND huyện Cao Lãnh, 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 963 tỷ đồng, đạt 70,65% kế hoạch. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ duy trì mức phát triển khá. Thu ngân sách nhà nước tăng khá so với cùng kỳ, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Toàn huyện phát triển thêm 43 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 177 tỷ đồng; có 324 hộ đăng ký kinh doanh cá thể mới, vốn đăng ký hơn 52 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng sản phẩm từng bước được nâng lên, liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ đối với các ngành hàng chủ lực được mở rộng. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực, trong đó nhiều chương trình, dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đươc triển khai và phát huy hiệu quả. Huyện đã hoàn thành dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh”; công bố nhãn hiệu chứng nhận Chanh Cao Lãnh; ra mắt Minh Tâm Hội Quán; công bố website Xoài Cao Lãnh... Đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện liên kết tiêu thụ lúa với 17 công ty, doanh nghiệp với diện tích hơn 4.500ha/2.465 hộ.

Ngoài ra, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện trong năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tập trung thực hiện, đặc biệt là chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng bước đầu mang lại hiệu quả.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng kinh tế - xã hội của huyện Cao Lãnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao so với yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực chưa có dấu hiệu khởi sắc, giá trị xuất khẩu thấp. Ngoài ra, ý thức, tập quán sản xuất truyền thống của nông dân chậm thay đổi, việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hoạt động kinh tế tập thể chưa đạt yêu cầu...

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm, theo ông Lê Hoàng Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh: “Những tháng còn lại của năm 2016, UBND huyện sẽ ưu tiên chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp triển khai dự án và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các ngành hàng nông sản chủ lực của huyện. Song song đó, trên cơ sở kế hoạch trung hạn và huy động các nguồn lực xã hội tiếp tục đầu tư, nâng cấp một số hạng mục hạ tầng cầu, đường giao thông kết hợp với phát triển công nghiệp, thương mại và phát triển du lịch. Triển khai thực hiện quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ...”.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn