Lan tỏa, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng
Cập nhật ngày: 29/07/2024 05:25:50
ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024.
Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp đầu tư máy móc hiện đại vào chế biến nông sản
Theo đó, kế hoạch hướng đến mục tiêu đề ra là lan tỏa, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, chú trọng đến lực lượng tiềm năng (sinh viên, học sinh, thanh niên, phụ nữ, nông dân, người lao động đi làm việc ở nước ngoài); tăng cường truyền thông về các chính sách hỗ trợ, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và khởi nghiệp; xây dựng hình ảnh cộng đồng DN khởi nghiệp năng động, sáng tạo.
Đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh; tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ các thành tố trong hệ sinh thái để phát huy tối đa nguồn lực và tác động cộng hưởng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nhân, DN và khởi nghiệp. Phấn đấu đưa tỉnh Đồng Tháp trở thành địa phương thu hút và phát triển cộng đồng khởi nghiệp hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển DN khởi nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng, chú trọng phát triển DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN khoa học và công nghệ. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn với tăng trưởng xanh thông qua việc tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải và ứng phó biến đổi khí hậu.
Mặt khác, triển khai có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động như truyền cảm hứng khởi nghiệp; hỗ trợ ươm tạo và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp; nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển DN; kết nối cộng đồng DN khởi nghiệp và nhà đầu tư. Lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án về hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã, hội quán, Chương trình OCOP. Tăng cường kết nối và thu hút các nguồn lực bên ngoài cùng đồng hành và tham gia đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh.
Trên tinh thần đó, tỉnh phấn đấu năm 2024 phát triển ít nhất 650 DN, chú trọng phát triển DN từ các dự án khởi nghiệp và hộ kinh doanh. Tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho hơn 1.400 lượt người về khởi sự lập nghiệp, quản trị DN, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và chuyển đổi số. Đồng thời có thêm ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, xét công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao; có ít nhất 10 sản phẩm được chuẩn hóa nâng hạng lên 4 sao và tiềm năng 5 sao. Hỗ trợ ươm tạo ít nhất 4 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng hành và phát triển cho trên 60 ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, ban hành một số chính sách hỗ trợ ươm tạo hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, học viên, sinh viên, đối tượng không chuyên (chưa có bằng cấp chuyên môn từ cao đẳng trở lên hoặc có bằng cấp chuyên môn từ cao đẳng trở lên nhưng có giải pháp sáng tạo không thuộc lĩnh vực chuyên môn với ngành nghề đã được đào tạo); tổ chức thành công Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - Mekong Startup Forum - lần II.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư, tạo nền tảng phát triển DN khởi nghiệp; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ các DN, cộng đồng khởi nghiệp tham gia có hiệu quả vào Chương trình OCOP...
Y Du