Làng nghề làm cá khô lớn nhất Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 21/12/2021 05:37:38
ĐTO - Nhắc đến huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nhiều người thường liên tưởng đến một vùng đất nổi tiếng với những cánh rừng tràm bạt ngàn, những cánh đồng lúa mênh mông,... cùng nhiều món ngon đặc sản trứ danh. Và, một trong những món đặc sản mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến thăm Tam Nông là cá khô của Làng khô Phú Thọ, xã Phú Thọ. Không cầu kỳ, hoa mỹ, cá khô Phú Thọ có hương vị thơm ngon đặc trưng, là sản phẩm kết tinh của sản vật miền Tây sông nước cùng bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây.
Làng khô Phú Thọ góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương
Xã Phú Thọ, huyện Tam Nông có làng nghề sản xuất cá khô lớn nhất Đồng Tháp. Ai có dịp đi dọc tuyến lộ ĐT 844, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các chị tay thoăn thoắt trở cá khô trên những chiếc giàn phơi. Ở làng khô Phú Thọ, mỗi một gia đình là một xưởng sản xuất nhỏ, nhưng khách hàng có thể tìm được đủ các loại cá khô nước ngọt như: khô cá lóc, khô cá sặc rằn, khô cá chạch, cá kết... Nhờ hương vị thơm ngon không lẫn vào đâu được nên nhiều năm qua, đặc sản khô Phú Thọ được người tiêu dùng trong ngoài tỉnh Đồng Tháp rất ưa chuộng, không chỉ tiêu thụ khắp các tỉnh, thành của khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở các tỉnh: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...
Không ai nhớ rõ làng khô Phú Thọ được hình thành cụ thể từ thời gian nào, nhưng theo nhiều lão nông tri điền ở địa phương, khoảng những năm 2000, nước lũ về Đồng Tháp khá lớn. Theo con nước, cá, tôm cũng tập trung về vùng rốn lũ của huyện Tam Nông rất dồi dào. Để có thể chế biến trữ cá ăn lâu dài, chị em nội trợ của xã Phú Thọ nghĩ ra nhiều cách, trong đó làm cá khô vừa dễ vừa tiện dụng nên được nhiều chị em lựa chọn. Không dừng lại ở việc trữ lại cho gia đình sử dụng, cá khô còn được các bà, các chị biếu người quen, đồng hương ở các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... ăn lấy thảo. Nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà nên cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người quen ở các tỉnh lại nhớ hương vị cá khô quê nhà, rồi bắt đầu đặt hàng cá khô của bà con ở xã Phú Thọ và làng nghề làm cá khô ở Phú Thọ cũng bắt đầu manh nha phát triển từ đó.
Nhờ nguyên liệu tươi ngon và bí quyết làm khô đặc biệt nên sản phẩm khô Phú Thọ được người tiêu dùng rất ưa chuộng
Khoảng những năm 2010 -2013, nghề nuôi cá lóc bắt đầu phát triển và nở rộ ở vùng quê Tam Nông. Nhưng sau thời gian tăng nóng diện tích, nhiều hộ nuôi cá lóc ở địa phương bắt đầu rơi vào tình cảnh thua lỗ do cung vượt cầu. Nhận thấy chế biến cá khô là một hướng đi tiềm năng, góp phần giúp giảm tải áp lực tiêu thụ khi cá lóc vào vụ thu hoạch cũng như mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn nên nhiều hộ nuôi cá lóc của Phú Thọ chuyển sang chế biến khô cá lóc. Nhờ khép kín từ vùng nuôi đến khâu chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm cá khô của người dân Làng khô Phú Thọ tạo được lợi thế cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1972) - chủ Cơ sở sản xuất khô Như Hằng, ấp A, xã Phú Thọ, tâm sự: Khoảng năm 2012 - 2013, sau khi nuôi cá lóc thua lỗ nhiều, gia đình bà bắt đầu chuyển hướng sang làm cá khô. Ban đầu, do chưa có mối quen nên gia đình chỉ tập tành làm khoảng vài chục ký cá tươi mỗi ngày. Dần dần, nhờ hương vị cá khô thơm ngon, được nhiều người thích nên quy mô sản xuất bắt đầu được nâng lên. Sau hơn 7 năm “bén duyên” với nghề làm cá khô, quy mô sản xuất của cơ sở tăng lên khoảng 200kg cá mỗi ngày. Đối với tháng cao điểm Tết Nguyên đán có thể tăng lên khoảng 400 - 500kg cá/ngày. “Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình tôi phải đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị cũng như thuê mướn thêm nhân công để sản xuất. Hiện cơ sở có khoảng 9 chị em làm việc thường xuyên với thu nhập ổn định, khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Nghề làm cá khô không chỉ giúp gia đình tôi phát triển kinh tế ổn định mà còn đem lại việc làm và thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ”, bà Hằng chia sẻ.
Trung bình khoảng 4kg cá lóc tươi sẽ thu được 1kg khô cá lóc, giá từ 130 ngàn -140 ngàn đồng/kg, tùy loại khô
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Nông, hiện toàn huyện có trên 40 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh cá khô, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Nhờ thị trường đang phát triển nên quy mô làng nghề cũng được mở rộng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, hiện các cơ sở sản xuất và kinh doanh cá khô ở xã Phú Thọ chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Sản phẩm khô mặc dù được thị trường ưa chuộng nhưng phần nhiều cơ sở chỉ dừng lại ở việc “bán hàng sá”, sản phẩm chưa được đầu tư bao bì, nhãn mác chuyên nghiệp. Đây là hạn chế khiến cho sản phẩm đặc sản khô Phú Thọ chưa thể đi xa và tiêu thụ được ở những kênh phân phối chuyên nghiệp.
Thấu hiểu được những khó khăn của người dân Làng khô Phú Thọ cũng như mong muốn giúp cho thương hiệu khô Phú Thọ được đi xa hơn trên thị trường, năm 2019 với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương huyện Tam Nông, lần đầu tiên sản phẩm cá khô đặc sản của xã Phú Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”. Đây là tiền đề quan trọng để người tiêu dùng cả nước thêm tin tưởng về uy tín cũng như chất lượng sản phẩm “Khô Phú Thọ” của quê hương Tam Nông.
Khô cá lóc sợị - sản phẩm mới của làng khô Phú Thọ đang được thị trường yêu thích
Ông Lưu Văn Tiến - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”, người tiêu dùng biết đến sản phẩm cá khô của Làng khô Phú Thọ nhiều hơn, vì vậy sản lượng tiêu thụ cá khô của các cơ sở trong làng nghề cũng tăng vọt. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sử dụng nhãn hiệu của các cơ sở sản xuất khô vẫn chưa cao, do đó, số lượng đơn vị được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của sản phẩm “Khô Phú Thọ”. Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa của nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”, góp phần tạo nên khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nâng tầm giá trị thương phẩm, năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện thực hiện Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Khô Phú Thọ”. Thông qua dự án này, địa phương tiến hành đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm “Khô Phú Thọ” sau khi nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ” được bảo hộ. Đồng thời, dự án cũng xây dựng hoàn thiện mô hình quản lý và hệ thống các văn bản phục vụ việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”, hỗ trợ hoạt động marketing cho sản phẩm. Dự án còn hỗ trợ các cơ sở sản xuất khô xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc... cho sản phẩm “Khô Phú Thọ... Để khai thác hết được giá trị mà nhãn hiệu chứng nhận mang lại là câu chuyện lâu dài, địa phương đang đồng hành cùng bà còn ở Làng khô Phú Thọ để từng bước hoàn chỉnh các khâu trong sản xuất để sản phẩm ra thị trường có lợi thế cạnh tranh cũng như lợi nhuận nhiều hơn.
Mỹ Lý