Lãnh đạo tỉnh làm việc với Sở Công Thương
Cập nhật ngày: 22/03/2023 16:41:39
ĐTO - Sáng ngày 22/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cùng các ngành hữu quan đến làm việc với Sở Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2023, ngành công thương đề ra chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 11.077 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 72.400 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2022. Theo đó, Sở Công Thương tập trung tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng gia tăng năng lực sản xuất các ngành chế biến hiện có.
Quang cảnh buổi làm việc
Đối với lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, ngành công thương đề ra chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành thương mại đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt gần 126.600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.770 triệu USD, tăng 2,4% so với năm 2022. Trên tinh thần đó, Sở Công Thương đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp lĩnh vực công thương và công tác kết nối tiêu thụ; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm nhãn hiệu chứng nhận “Made in Đồng Tháp”. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; tập trung phát triển ngành hàng chủ lực của tỉnh, tăng tỷ trọng chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; phát huy Tổ thông tin phân tích thị trường nông sản của tỉnh.
Năm 2023, Sở Công Thương còn quan tâm đẩy mạnh thực hiện về cải các hành chính và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chương trình của UBND tỉnh, Nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, đặc biệt là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Trong phát triển Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), UBND tỉnh ban hành Quyết định 1317/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có 10 KCN với tổng diện tích 1.266ha (gồm 3 KCN hiện hữu, 7 KCN dự kiến đầu tư mới, mở rộng) và 30 CCN với tổng diện tích 1.290ha. Định hướng phát triển KCN, CCN và năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển 15 KCN và 33 CCN.
Tại buổi làm việc, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố có doanh nghiệp trong CCN được giao đất chi thuê đất chậm triển khai hoặc chưa triển khai dự án tiến hành hướng dẫn, kiểm tra và xử lý theo quy định Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Đồng thời, các ngành thông tin chia sẻ về các nội dung về lĩnh vực thương mại, đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đối ứng khi được hỗ trợ từ chương trình khuyến công….
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện đánh giá cao công tác hoạt động của ngành công thương trong những tháng đầu năm. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện đề nghị đơn vị đẩy mạnh số hóa dữ liệu ngành công thương. Đối với việc xây dựng Đề án phát triển ngành thương mại tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu kết hợp phát triển ngành công nghiệp chủ lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị đơn vị tư vấn sớm hoàn thành các đề án, trong đó phải có sự gắn kết, tạo sự đồng bộ với các chương trình, đề án khác. Đồng thời rà soát, phát huy tổ thông tin phân tích thị trường nông sản của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, các ngành hữu quan rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp và tình hình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh để đánh giá nguyên nhân, khó khăn đưa ra giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp. Song song đó, Sở Công Thương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế rà soát những dự án tại các KCN, CCN; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư cho các KCN, CCN…
Ông Nguyễn Phước Thiện đề nghị Sở Công Thương nghiên cứu đề xuất xây dựng điểm tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP; nghiên cứu xây dựng phiên chợ bán các sản phẩm từ các dự án chương trình của tỉnh tại TP Cao Lãnh nhằm khuyến khích mô hình phát triển…
Y DU