Liên kết tiêu thụ vẫn còn ít
Cập nhật ngày: 07/03/2016 13:09:32
Tạo đầu ra cho sản phẩm là vấn đề tiên quyết để người sản xuất nông nghiệp phát triển. Thời gian qua, Sở Công Thương tích cực làm cầu nối để nông sản đi sâu vào thị trường.
.JPG)
Bích Chi mở rộng thị trường trong và ngoài nước
Xác định hệ thống siêu thị là kênh phân phối quan trọng các mặt hàng nông, đặc sản của tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương vẫn tiếp tục và thường xuyên kết nối các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) với các siêu thị, trung tâm thương mại trong, ngoài tỉnh.
Khi Co.opmart Cao Lãnh đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho hàng nông nghiệp, đặc sản Đồng Tháp đi vào kênh phân phối này. Tại Co.opmart Cao Lãnh, các mặt hàng bột thực phẩm, hủ tiếu, tàu hủ ky, bì mắm, gạo, khô... có doanh số bình quân đạt 500 triệu đồng/tháng. Còn tại hệ thống Co.opmart, doanh số bình quân khoảng 8 tỷ đồng/tháng.
Ngoài ra, Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) hiện đang tiêu thụ các mặt hàng nông sản chế biến của 10 DN, HTX, CSSX với doanh số tăng từ 5 - 10%/tháng; bình quân trên 200 triệu đồng/tháng. Theo Sở Công Thương, hiện nay các DN lớn khi đã có hệ thống kênh phân phối trong và ngoài nước cũng tích cực mở rộng thị trường và có doanh số khá cao ở kênh phân phối siêu thị. Đơn cử như Bích Chi đưa hơn 170 sản phẩm vào trên 8 hệ thống siêu thị với doanh số hơn 110 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại thực phẩm Bích Chi chia sẻ: “Để tồn tại trong môi trường đầy cạnh tranh như hiện nay, ngoài việc tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã cải tiến thì phát triển thị trường là sự sống còn của DN. Nhận thức được điều này, chúng tôi đẩy mạnh phát triển sản phẩm ra nước ngoài. Đối với thị trường trong nước, ngoài việc tiếp tục đưa hàng vào siêu thị, chợ truyền thống thì đồng hành các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là hướng đi của DN. Đây là những yếu tố giúp người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm nhiều hơn”.
Riêng các mặt hàng nông thủy sản tươi sống và chế biến vẫn chưa gõ cửa được kênh phân phối hiện đại nên Sở Công Thương khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để đưa hàng hóa của tỉnh vào kênh phân phối truyền thống.
Dù có những động thái nhất định để sản phẩm gõ cửa được các siêu thị nhưng hàng nông sản đặc sản của tỉnh có mặt tại kênh phân phối này và các hệ thống phân phối khác chưa nhiều. Dễ nhận ra là do thiết bị máy móc lạc hậu, khả năng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản lý còn yếu. Các sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị chưa đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo. Bà Nguyễn Thị Minh Trang - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Cao Lãnh nói: “Chúng tôi dành sự ưu ái cho các mặt hàng nông sản của địa phương tiếp cận với kênh phân phối của siêu thị nhưng thời gian qua, sự có mặt của nông sản tỉnh tại đơn vị vẫn còn khiêm tốn”.
Trong liên kết và tiêu thụ lúa gạo, dù có sự nỗ lực cao của các ngành hàng nhưng việc liên kết tiêu thụ vẫn chưa tương xứng. Phần lớn thị trường xuất khẩu của DN thường không ổn định, phải tự tìm kiếm đầu ra, thường xuyên bị cạnh tranh về giá. Do vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu thiếu ổn định và bền vững. Năm qua, có 11 DN tham gia liên kết mới nhưng diện tích tham gia liên kết còn ở mức khiêm tốn (bình quân 136,32 ha/DN).
Với thực trạng trên, giải pháp của Sở Công Thương để tháo gỡ trong liên kết tiêu thụ là: đối với mặt hàng nông lâm sản và thủy sản, cần tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các DN, HTX, CSSX cần nhanh chóng sửa đổi, khắc phục những hạn chế, yếu kém nếu muốn đưa vào kênh phân phối Saigon Co.op.
Theo Sở Công Thương, các DN, HTX, CSSX cần tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng có giá thành hạ, chất lượng cao, sản phẩm độc đáo, khác biệt để có thể cạnh tranh với các hàng hóa khác cùng loại. Theo đó, xây dựng, duy trì, phát triển nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu.
Riêng về liên kết và tiêu thụ lúa gạo, DN phải tham gia chặt chẽ vào quá trình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và mô hình liên kết, cánh đồng liên kết theo lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu; từng bước nâng cao chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo.
Vấn đề cần thiết nhất hiện nay được Sở đề xuất là xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tổ chức, hỗ trợ các bên tham gia liên kết: cơ chế, chính sách khen thưởng, xử phạt, quy trách nhiệm về lợi ích vật chất, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa các đối tác tham gia liên kết. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức các hình thức hợp tác sản xuất trong nông nghiệp từ thấp đến cao...
K.D