Linh hoạt chuyển đổi cây trồng giúp nông dân tăng thu nhập
Cập nhật ngày: 31/03/2022 08:52:50
ĐTO - Không sở hữu diện tích đất canh tác lớn, song nhờ việc linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên một số hộ nông dân ở khu vực thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh vẫn thu được lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch và hướng đến chế biến là một trong nhiều giải pháp hay giúp nông dân thị trấn Mỹ Thọ tăng thu nhập và thích ứng với tình hình sản xuất mới.
Vườn dâu tằm của ông Nguyễn Thành Châu ở thị trấn Mỹ Thọ
Mạnh dạn chuyển khoảng 3.000m2 đất sản xuất lúa sang trồng cây dâu tằm ăn trước ánh mắt nghi ngại của nhiều người hàng xóm và kiên trì với định hướng phát triển của mình, sau gần 2 năm, đã giúp gia đình ông Nguyễn Thành Châu ngụ khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh có thu nhập cao gấp 3 lần canh tác lúa. Ông Nguyễn Thành Châu kể: “Ban đầu, hàng xóm nghe gia đình tôi lên liếp để trồng dâu tằm ăn lấy quả, ai cũng cười, nói dâu tằm ăn trái nhỏ, đâu có giá trị kinh tế là bao. Tuy nhiên, trước khi quyết định trồng dâu tằm, gia đình tôi đã nghiên cứu rất kỹ và nhận thấy trái dâu tằm không chỉ là loại trái có nhiều vitamin mà còn là một loại dược liệu quý, có nhiều dược tính có thể hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh. Từ đó, gia đình tôi đã mạnh dạn mua hơn 120 gốc dâu tằm về trồng. Giữa năm rồi, vườn dâu bắt đầu cho thu hoạch những lứa trái đầu tiên. Hiện tại, trung bình mỗi ký dâu tằm tươi bán cho lái khoảng 50 – 60 ngàn đồng. Sau khi khấu trừ chi phí thì lợi nhuận có thể cao hơn trồng lúa gấp 2-3 lần (khoảng 9 triệu đồng/1.000m2)”.
Để có thể phát triển vườn dâu tằm theo hướng bền vững và hướng đến khai thác du lịch sinh thái, hiện vườn dâu tằm của ông Châu được canh tác theo quy trình an toàn. Tất cả các loại phân bón và thuốc phun xịt cho vườn dâu đều được ông Châu sử dụng các chế phẩm sinh học được ủ bằng gừng, tỏi. Bên cạnh đó, nhằm gia tăng lợi nhuận nhiều hơn cho sản phẩm dâu tằm, hiện gia đình ông Châu cũng đang phát triển thêm một số sản phẩm chế biến từ dâu tằm như: rượu dâu tằm, siro dâu tằm, yaout dâu tằm để phục vụ nhu cầu đa đạng của người tiêu dùng. Ông Châu chia sẻ, sắp tới, gia đình đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ trái dâu tằm và hướng đến đầu tư nhãn mác và bao bì chuyên nghiệp cho các sản phẩm chế biến. Bởi, so với bán trái tươi thì các sản phẩm dâu tằm chế biến mang lại giá trị tăng thêm rất nhiều, đây còn là giải pháp hiệu quả giúp giải quyết bài toán về tồn đọng vào những lúc chính vụ.
Khoảng năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ngụ khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.300m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn. Ban đầu, do ngại chi phí đầu tư nhà lưới lớn nên gia đình bà Thanh chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích nhà lưới nhỏ, khoảng vài trăm mét vuông. Sau thời gian canh tác hiệu quả, gia đình bà Thanh đã mạnh dạn chuyển đổi hết diện tích đất của gia đình để trồng rau an toàn. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, hiện vườn rau của bà Thanh trồng nhiều chủng loại rau như: cải bẹ dún, măng tây, cà chua, cải xà lách bắp. Mỗi năm, gia đình bà Thanh thu hoạch khoảng 5 – 6 vụ rau, sau khi khấu trừ chi phí, lãi trên 50 triệu đồng/1.300m2.
Để sản phẩm rau an toàn của gia đình tạo được sự khác biệt và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, ngoài việc tuân thủ sản xuất rau theo quy trình an toàn, bà Thanh còn tự nghiên cứu ủ chế phẩm sinh học từ trứng và sữa tươi để bón cho vườn rau của mình. Nhờ đó, sản phẩm rau an toàn của bà Thanh được người tiêu dùng rất ưa chuộng, đang được tiêu thụ mạnh tại thị trấn Mỹ Thọ và một số địa bàn lân cận.
Ông Lê Văn Tánh - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mỹ Thọ, huyện cao Lãnh thông tin, mô hình sản xuất dâu tằm ăn của ông Nguyễn Thành Châu và mô hình trồng rau an toàn của bà Nguyễn Thị Thanh đang được địa phương quan tâm, hỗ trợ đặc biệt. Theo đó, ngoài việc định hướng các hộ sản xuất theo quy trình an toàn, địa phương còn định hướng sẽ phối hợp các ngành chức năng của huyện để hỗ trợ các hộ xây dựng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm theo quy trình chuyên nghiệp, để người tiêu dùng có nhiều thông tin về sản phẩm. Ngoài ra, địa phương sẽ phối hợp với huyện hỗ trợ các hộ tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm ở các hội chợ để sản phẩm của địa phương được đông đảo người tiêu dùng biết tới.
Mỹ Lý