Huyện Tam Nông

Linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân

Cập nhật ngày: 05/10/2021 10:04:24

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211005101016tamnnong2021moi.mp3

ĐTO - Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, huyện Tam Nông vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa giải quyết kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy. Với nhiều cách làm linh hoạt, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của huyện được tiêu thụ, góp phần giúp nông dân ổn định sản xuất, tái đầu tư cho vụ mùa mới.


Nông dân tranh thủ thu hoạch kiệu để chạy lũ

Cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ nông dân vượt khó

Những ngày gần cuối tháng 9, khi nước từ thượng nguồn đổ về đang bắt đầu mấp mé ở bờ kinh cũng là thời điểm nông dân trồng kiệu của huyện Tam Nông tranh thủ thu hoạch trước con nước lên. Tuy nhiên, năm nay dưới những tác động tiêu cực từ dịch Covid -19 nên dù con nước đã đến rất gần nhưng nhiều nông dân trồng kiệu ở huyện Tam Nông vẫn chưa thể đưa ra phương án thu hoạch cho ruộng kiệu của gia đình.

Theo bà con trồng kiệu, để thu hoạch và trữ kiệu làm giống, trung bình mỗi công (1.300m2) nông dân phải đầu tư thêm từ 12 – 15 triệu đồng cho chi phí thu hoạch, sơ chế, phơi và trữ kiệu. Để có thể nhanh thu hồi vốn đầu tư, nông dân thường lựa chọn giải pháp bán kiệu tươi. Tuy nhiên đây cũng chưa là giải pháp khả dĩ bởi hơn hai tháng qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thương lái tạm dừng thu mua kiệu. Do đó, nhằm góp phần giúp nông dân trồng kiệu giải quyết được khó khăn trước mắt, các ngành và đoàn thể của huyện Tam Nông vào cuộc mạnh mẽ, giúp nông dân tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm kiệu và nhiều mặt hàng nông sản của địa phương.

Để hiểu rõ hơn về tình hình khó khăn của nông dân trồng kiệu, chúng tôi theo chân ông Bùi Văn Thì - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông (cũng là thành viên trong Tổ kết nối tiêu thụ nông sản của huyện Tam Nông) đến thăm ruộng kiệu của anh Lê Thành Tuấn ngụ ấp Phú Lâm, xã Phú Thành B.

Chào chúng tôi bằng nụ cười hiền lành, anh Lê Thành Tuấn tâm sự: “Thật tình mấy tháng nay, gia đình tôi thường xuyên gọi cho thương lái nhưng họ đều trả lời là không mua, kêu mình thông cảm. Với hơn 6 công kiệu, chi phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng, khi kiệu chưa có đầu ra, gia đình tôi rất lo lắng. Sau khi thông tin với UBND xã Phú Thành B, gia đình nhận được đơn đặt hàng đầu tiên từ Tổ kết nối tiêu thụ nông sản của huyện khoảng hơn 1 tấn kiệu tươi, khoản tiền thu được lúc này thật sự rất có ý nghĩa với gia đình của tôi”.

Không riêng gia đình của anh Tuấn, nhiều hộ sản xuất khác trên địa bàn huyện Tam Nông cũng được các ngành, các cấp hỗ trợ tìm kiếm và kết nối đầu ra cho nông sản. Bằng nhiều giải pháp khác nhau, hơn 2 tháng qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị huyện Tam Nông, hàng trăm tấn nông sản ùn ứ của huyện được tiêu thụ ổn thỏa.


Anh Lê Thành Tuấn phấn khởi vì được địa phương hỗ trợ tìm đầu ra cho ruộng kiệu của gia đình

Ông Bùi Văn Thì - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông cho biết, khoảng giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 là thời điểm nông dân huyện Tam Nông bước vào vụ mùa thu hoạch nhiều loại hoa màu và thủy sản. Tuy nhiên trước bối cảnh chuỗi cung ứng gần như bị tê liệt do dịch Covid-19, UBND huyện thành lập Tổ kết nối và tiêu thụ nông sản, tập hợp tất cả các ngành và đoàn thể của huyện. Sau khi được thành lập, công việc đầu tiên của tổ là bắt tay rà soát tổng sản lượng nông sản đang bị tồn đọng ở từng xã và bắt đầu lập phương án giải quyết. Đối với các nhóm hàng hóa có sản lượng lớn như lúa thì huyện Tam Nông tạo điều kiện để các nghiệp đoàn, tổ thu hoạch được tiêm ngừa vắc-xin nhằm hỗ trợ nông dân thu hoạch và vận chuyển lúa. Địa phương cũng tạo điều kiện để thương lái thuận lợi đến thu mua lúa cho nông dân. Đối với một số mặt hàng hoa màu, ngoài việc kiến nghị các ngành tỉnh hỗ trợ, huyện Tam Nông cũng đẩy mạnh phát huy nguồn lực tại chỗ để tiêu thụ trong đó giải pháp kêu gọi cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân tại ở địa phương hỗ trợ tiêu thụ giúp nông. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, hàng trăm tấn nông sản (bắp, xoài, thanh long, kiệu, tôm...) ùn ứ của nông dân đã tìm kiếm được kênh tiêu thụ.

Đồng lòng cùng nông dân bước qua đại dịch

Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất hoa màu và thủy sản lớn của huyện Tam Nông, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, xã Phú Thành B cũng rơi vào tình cảnh nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của địa phương khó khăn về đầu ra. Trước thực trạng đó, bên cạnh kiến nghị cấp trên hỗ trợ, xã Phú Thành B linh động trong cách làm và có nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho nhiều mặt hàng nông sản.

Ông Nguyễn Văn Minh - Bí Thư Đảng ủy xã Phú Thành B cho biết: “Phú Thành B là một trong những địa phương xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của huyện Tam Nông. Do đó, công tác phòng, chống dịch được địa phương thực hiện rất nghiêm túc. Song song với đó, việc hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ, duy trì hoạt động sản xuất cũng được địa phương quan tâm. Để giải quyết số lượng hàng hóa đang ùn ứ mức độ vừa phải của người dân, UBND xã thành lập gian hàng ký gửi nông sản. Tại gian hàng này, Hội Nông dân xã đóng vai trò đầu mối nhận nông sản ký gửi để bán hộ nông dân. Mặc dù, gian hàng chỉ hoạt động quy mô nhỏ tại địa phương nhưng góp phần giúp nhiều nông dân tiêu thụ hàng hóa trong mùa dịch. Nhiều sản phẩm như dưa leo, trứng vịt, bắp, thanh long... có đầu ra ổn định thông qua gian hàng ký gửi này”.


Gian hàng ký gửi nông sản của xã Phú Thành B, huyện Tam Nông góp phần giúp nhiều nông dân tiêu thụ được nông sản ùn ứ do dịch Covid-19

Trong hoàn ảnh khó khăn của đại dịch, huyện Tam Nông kêu gọi và nhận được sự hiệp lực, đồng tình mạnh mẽ của người dân, các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, doanh nghiệp. Trong suốt mùa dịch vừa qua mặc dù việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nhưng chị Nguyễn Ngọc Hân - thương lái thu mua bắp đến từ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vẫn đồng hành xuyên suốt với nông dân huyện Tam Nông để tiêu thụ bắp và nhiều mặt hàng hoa màu. Chị Nguyễn Ngọc Hân chia sẻ: “Vợ chồng tôi đến Đồng Tháp và thực hiện liên kết tiêu thụ bắp với nông dân địa phương được 3 năm. Trong vụ mùa này, vợ chồng tôi bao tiêu khoảng 160ha bắp tập trung ở các huyện Tam Nông, Thanh Bình. Tuy nhiên, bắt đầu khoảng cuối tháng 6 khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Tháp diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và vận chuyển của chúng tôi rất nhiều. May mắn nhờ sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp và huyện Tam Nông tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi được đến vùng nguyên liệu để thu mua cũng như vận chuyển hàng hóa thông suốt qua các chốt. Để đồng hành cùng chính quyền địa phương, thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ nông dân trồng bắp tiêu thụ ổn định, vợ chồng tôi còn nhận thêm hàng chục tấn nông sản khác đang gặp khó khăn trong tiêu thụ như nhãn, thanh long, cam xoàn, dưa leo, xoài... Trong bối cảnh khó khăn nếu hỗ trợ được gì cho nông dân chúng tôi sẽ cố gắng hết mình. Bởi người Đồng Tháp rất tử tế và nghĩa tình với những người làm kinh doanh xa xứ như chúng tôi”.

Khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy kéo theo nhiều hệ lụy và tổn thất về kinh tế của người dân. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn đã hun đúc tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân doanh nghiệp chung sức giúp người nông dân vượt qua khó khăn. Đây cũng chính là sức mạnh giúp cho huyện Tam Nông nói riêng và Đồng Tháp nói chung mạnh mẽ bước qua khó khăn và chiến thắng dịch Covid-19 để có thể sớm quay lại cuộc sống bình thường mới.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn