Mít Thái - “cái chết” được báo trước

Cập nhật ngày: 13/01/2022 06:16:43

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220113061738dt2-5.mp3

ĐTO - Sự kiện mít Thái bị ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc, khiến giá mít tại các nhà vườn rớt giá thảm hại. Nhưng đó là giọt nước tràn ly... của “cái chết” đã được cảnh báo từ trước.


Nhà nông ở huyện Thanh Bình bên vườn mít Thái được cải tạo từ đất lúa

Rẻ như bèo...

“Bây giờ mít rẻ như cho. Thương lái trả giá 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng chỉ lựa mít loại 1” (10kg/trái trở lên), ông Nguyễn Văn Thảo - nhà vườn trồng mít ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp), đã làm tôi ngỡ ngàng về loại cây trồng từng được mệnh danh là “cần câu tiền” của nhà nông. Bởi cách đây không lâu, giới truyền thông như “lên đồng” khi giá mít Thái đạt 50-70 ngàn đồng/kg. Với giá này, thu nhập từ 3 cây mít đã ngang bằng với 1 công lúa.

Theo ThS.Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Thông tin (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp), với hiện trạng trồng phổ biến tại nhiều địa phương tỉnh Đồng Tháp cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá thành mít Thái vào khoảng 10.000 đồng/kg. Điều này cũng đồng nghĩa ông Thảo khó thoát thua lỗ.

Tuy nhiên, xem ra ông Thảo vẫn còn may mắn vì trên thực tế, nhà vườn các tỉnh: Tiền Giang, Hậu Giang, Long An... “đỏ mắt” trông vẫn khó tìm được thương lái thu mua. Sau sự kiện hàng ngàn xe tải đầy trái cây bị ùn tắc tại cửa khẩu phía Bắc, không còn đầu ra, doanh nghiệp dừng mua, các thương lái cũng tìm cách “tháo chạy”. Ông Nguyễn Văn Triều - chủ vựa mít Thái (Hòa An – TP Cao Lãnh) xác nhận: “Từ ngày 29/12/2021, các vựa ngưng thu gom mít Thái vì đầu mối không giao dịch”.

Không chấp nhận thành quả “mồ hôi nước mắt” của nhiều tháng ròng rã, phút chốc đổ sông đổ biển, một số nhà vườn đã “tự bơi” bằng nhiều cách như: bán giá rẻ cho các bạn hàng bán ra các chợ nhỏ, hoặc tự bán lẻ... nhưng không phải ai cũng “bơi” được, vì vào thời điểm này gần như các địa phương vùng ĐBSCL cũng tràn ngập mít Thái.

Hiện giá mít Thái tại nhà vườn rớt thấp thê thảm. Tại một số vườn, giá rẻ như cho khi chỉ bán được khoảng 500 đồng/kg cho mít loại 3. Đối với nhiều nhà vườn, đây như giọt nước tràn ly. Bởi trước đó do ảnh hưởng từ việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, đi lại bị hạn chế đã đẩy giá mít Thái xuống còn 10.000 đồng/kg. Nhiều người kỳ vọng khi trở lại trạng thái bình thường sẽ bù đắp lại lợi nhuận, nhưng thực tế không như mong đợi.


Cận cảnh trái mít Thái bị nứt vỏ do thiếu can-xi

“Cái chết” được báo trước

Mít Thái rớt giá thê thảm như hiện nay là hiệu ứng đô-mi-nô từ sự cố ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thực tế đây chỉ là giọt tràn ly về “cái chết” đã được báo trước. Theo ThS. Tuyên, trong danh sách thống kê nông nghiệp thế giới chưa có danh xưng cây mít. Điều này cho thấy mít có thị trường hẹp. Trong khi đó, loại cây trồng này lại không thích hợp cao với vùng đất ĐBSCL.

“Cây mít phát triển tốt ở cao độ 400 - 1.200m so với mặt nước biển vì cây mít có hệ thống rễ phát triển rất sâu. Trong khi đó, phần lớn vùng đất ở ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp có thủy cấp nông nên không thích hợp”- ThS. Tuyên nhấn mạnh thêm - “Hơn thế nữa, cây mít thuộc nhóm cây cận ôn đới, chỉ thích hợp ở vùng đất có nhiệt độ dao động 16-28oC, ĐBSCL lại thuộc vùng nhiệt đới”.

Thế nhưng, so với nhiều loại cây trồng, việc trồng mít Thái ở Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng lại phát triển với tốc độ “siêu tốc”. Theo ThS. Tuyên, số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong năm 2020, diện tích mít cả nước tăng thêm 16.881ha, nâng tổng diện tích trồng mít (chủ yếu là mít Thái) cả nước đạt 58.511ha. Trong đó riêng ĐBSCL có đến 30.045ha. Dẫn đầu là Tiền Giang với 13.141ha, kế đến là Hậu Giang với 6.966ha. Riêng Đồng Tháp với 2.692ha đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL và thứ 4 cả nước... Đây được đánh giá là phát triển nóng. Bởi đầu ra của mít Thái trồng ở Việt Nam là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (trên 90%). “Đây là thị trường đầy rủi ro”- ThS. Tuyên nhấn mạnh thêm – “Hiện nay phía Trung Quốc đòi hỏi tất cả nông sản nhập khẩu theo con đường chính ngạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch chặt chẽ và truy xuất được nguồn gốc; bao bì chuyển từ thùng nhựa qua thùng giấy để bảo vệ môi trường...”. Theo ThS. Tuyên, các công đoạn này gần như phía nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung, mít nói riêng của Việt Nam chưa chuẩn bị đầy đủ.

Thực tế việc mua bán trồi - sụt rất khó lường thời gian qua là minh chứng không thể chối cãi. Điều này cũng đã được giới am tường nông nghiệp phân tích, khuyến cáo từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên khi giá mít Thái đột xuất đạt ngưỡng 50.000 - 70.000 đồng/kg thì nhiều nhà vườn đã bất chấp...

Thực tế cho thấy, xuất khẩu mít Thái của Việt Nam sang Trung Quốc những năm trước tăng trưởng cao: Từ 3 triệu USD năm 2015, lên 163 triệu USD vào năm 2020. Thậm chí đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng mít Thái của Việt Nam đã vượt qua cả Thái Lan- quê hương của giống mít Changai, được người Việt quen gọi qua tên mít Thái.

Tuy nhiên, trong lúc người trồng rực rỡ về lợi nhuận, thì bản thân cây mít ngoại nhập này lại bộc lộ ra nhiều bất cập. “Phần lớn diện tích mít Thái của các tỉnh ĐBSCL nằm trên vùng đất thấp, bị nhiễm phèn hoặc phèn mặn... Trong khi đó, nhiều nhà vườn lại không am tường cách chăm sóc thích ứng với loại cây siêu trái này nên cây sinh ra nhiều bệnh. Và tất nhiên là sau đó được phun, xịt nhiều loại thuốc. Điều này đã đặt mít Thái trồng ở Việt Nam vào tình thế bất lợi trong cuộc chạy đua vào thị trường Trung Quốc so với quốc gia “chính chủ”.

Theo ThS. Tuyên, hiện giá bán sỉ mít Thái tại chợ đầu mối TP. Quảng Châu tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong suốt năm 2021 không vượt quá 6,2 yuan/kg (22.000 đồng/kg). Điều này cũng đồng nghĩa: giá xuất khẩu mít Thái của Việt Nam không được vượt hơn 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mít Thái của Thái Lan luôn được cải thiện theo hướng giảm dần giá thành, nên không chỉ áp đảo trên thị trường Trung Quốc mà còn thắng Việt Nam ngay trên sân nhà. Theo ThS. Tuyên, giá mít Thái xuất vào Việt Nam giảm dần hàng năm: từ 6.760 đồng (năm 2017) xuống còn 6.623 đồng/kg (năm 2020) đã khiến cho nhiều đơn vị xuất khẩu mít chọn mít Thái Lan chính hiệu để tối ưu lợi nhuận. Theo Tổng cục Hải quan Thái Lan, trong 11 tháng năm 2021, dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu từ Thái Lan 15.594 tấn mít Thái. Như vậy bình quân, mỗi tháng nhập khẩu khoảng 1.500 tấn mít Thái. Điều này ví như hành động “chở củi đốt rừng” khi hàng ngàn tấn mít nội địa đang rớt giá thê thảm như hiện nay.

Không chỉ bị thua trên sân nhà, chính nhà vườn còn tạo thêm “tự thua” lâu dài. “Mít Thái thường được nhà vườn duy trì với năng suất 10-20 tấn/ha, nên bản thân cây đòi hỏi lượng dinh dưỡng rất lớn. Trong khi đó, việc nghiên cứu thâm canh cây mít chưa thật đầy đủ nên nhà nông không nắm vững kỹ thuật để bù đắp... nên cây trồng phải huy động dinh dưỡng từ đất. “Chính điều này đã thúc đẩy quá trình suy thoái, cạn kiệt dinh dưỡng và phèn hóa nhanh hơn”- ThS. Tuyên đưa ra thí dụ cụ thể - “Thực tế tại huyện Tháp Mười cho thấy nhiều vườn trồng mít Thái sang đến năm trồng thứ 4 là cây phát “bệnh” như: nứt trái do thiếu can-xi, xì mủ gốc do nấm Phytophthora... Thậm chí là cây trồng chết yểu”. Nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp tiết lộ, nhiều lúc chỉ mới thu hoạch được 2 năm trái, cây đã chết, phải mua giống mới trồng lại. Điều này cũng đồng nghĩa, sẽ gặm nhấm lợi nhuận của nhà vườn ngay cả lúc thị trường chưa nổi sóng gió.

Quan tâm, đầu tư tập trung tháo gỡ đầu ra để giải tỏa áp lực “giá thấp – khó bán” trước mắt để nhà nông giảm thiểu khó khăn, thua lỗ là vô cùng cần thiết và cấp bách, nhưng điều chúng tôi lo lắng hơn là ngay từ lúc này, ngành chức năng cần vào cuộc với tâm thế xử lý vấn đề một cách căn cơ, chiến lược, khoa học để người trồng mít Thái không phải trượt vào vết xe đổ mà người trồng xoài Đài Loan đã trả giá trước đó.

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn