Mô hình cần được phát huy và nhân rộng

Cập nhật ngày: 31/12/2012 14:10:06

Thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, trong thời gian qua, Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình liên kết đem lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (DN) - hộ kinh doanh - nông dân về tiêu thụ ớt và cung ứng vật tư nông nghiệp; mô hình liên kết trong nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu; mô hình tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp... Các mô hình trên tạo mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các bên tham gia. Trong đó, mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng.


Tham quan mô hình cánh đồng mẫu

Trong liên kết này, nhà nông và nhà DN giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm sự thành công của mô hình; Nhà nước giữ vai trò như tác nhân liên kết giữa nhà nông và DN. Qua triển khai thực hiện mô hình liên kết đã đạt được những kết quả bước đầu: DN có vùng nguyên liệu ổn định, DN thu mua lúa trực tiếp từ nông dân tránh được tình trạng đấu trộn các loại lúa, gạo khác nhau của thương lái, bảo đảm chất lượng gạo cho xuất khẩu; lúa gạo của nông dân làm ra dễ tiêu thụ, giá ổn định, chi phí đầu vào sản xuất thấp...

Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên khi triển khai thực tế đã phát sinh một số vấn đề như: Trách nhiệm của các bên tham gia ký kết hợp đồng chưa được cụ thể hóa; công ty và nông dân chưa thật sự tin tưởng nhau và chưa cùng chia sẻ rủi ro hoặc chủ động bàn bạc, thống nhất phương pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là bộ phận kinh doanh của DN chưa có kinh nghiệm trong việc thu mua lúa hàng hóa; cơ sở vật chất của DN tại vùng nguyên liệu chưa hình thành, thiếu phương tiện vận chuyển, hệ thống kho trữ, cơ sở sấy lúa nằm xa vùng nguyên liệu...

Trong thời gian tới, cần tập trung các giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình và triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh là: Giữa DN và nông dân phải có sự giao kết hợp đồng chặt chẽ, phải thực hiện giao kết hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng các điều khoản, quy định trách nhiệm của các bên, dự báo các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần chia sẻ hài hòa lợi ích và rủi ro. DN cần quản lý chặt chẽ ngay từ khâu cung ứng đầu vào để đảm bảo chất lượng sản phẩm, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về phía Nhà nước, cần có cơ chế thông thoáng thúc đẩy liên kết giữa DN và nhà nông; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phổ biến kiến thức về pháp luật có liên quan. Về phía nhà khoa học, cần tăng cường phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho nông dân, cung cấp kịp thời các giống lúa mới có năng suất, chất lượng, đem lại lợi nhuận cao. Nếu những giải pháp trên được thực hiện thống nhất và đồng bộ, cùng với những bài học kinh nghiệm đã được rút ra, chắc chắn mô hình này sẽ đạt được những kết quả cao hơn trong thời gian tới.

H.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn