Một ngày trên cánh đồng “thông minh”
Cập nhật ngày: 26/11/2020 10:14:07
ĐTO - Không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước đây, hiện nay, nông dân ở Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và tận dụng sức mạnh từ Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào canh tác lúa theo quy trình sản xuất hiện đại.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt các app ứng dụng về bơm tưới và quản lý dịch hại trên đồng ruộng, nông dân ở HTX có thể thực hiện công việc đồng án ngay từ xa.
Toàn cảnh cánh đồng Hợp tác xã Mỹ Đông 2 nhìn từ trên cao
Làm ruộng nhàn hạ
Sau hơn 1 năm, khi quay trở lại cánh đồng canh tác lúa lý tưởng của HTX DVNN Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, chúng tôi nhận thấy nơi đây có nhiều thay đổi. Thay cho những đoạn đường lầy lội là những con đường đan nội đồng dài thẳng tấp của cánh đồng mẫu lớn. Năm trước, để có thể ra tới ruộng, chúng tôi phải xin quá giang xe cấy lúa của “biệt đội máy cấy”. Năm nay, chúng tôi đã có thể tự chạy xe bon bon đến tận ruộng.
Cũng như nhiều cánh đồng khác của Đồng Tháp, cánh đồng 570ha của HTX DVNN Mỹ Đông 2 cũng đang bắt đầu gieo cấy lúa cho mùa vụ mới. Thay vì nông dân hì hục đội lúa giống, kéo hàng, đánh đường gò theo phương thức canh tác truyền thống thì hiện tại chúng tôi thấy nông dân ở HTX DVNN Mỹ Đông 2 khá “thảnh thơi”. Hầu như nông dân nào cũng “phi” xe máy ra tận ruộng chứ không “xắn quần xắn áo” như trước đây.
Hiện 2/3 diện tích lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 áp dụng máy cấy lúa và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra
Đang ngồi trên bờ kênh chờ “biệt đội máy cấy” đến cấy lúa cho ruộng nhà mình, ông Nguyễn Hoàng Sơn - thành viên HTX DVNN Mỹ Đông 2 vui vẻ chia sẻ: “Giờ làm ruộng khỏe nhiều lắm rồi, quần áo đâu có lấm lem như xưa. Hiện nay cấy giống gì, cấy vào thời điểm nào, rồi bán cho doanh nghiệp nào thì đều có HTX lo hết. Công việc của tôi bây giờ là chuẩn bị đồng ruộng sạch sẽ, rồi chờ tới lượt để máy cấy cho đồng ruộng của mình. Riêng nước bơm tưới thì đã có HTX đảm nhận, còn khi lúa bị sâu rầy hay dịch bệnh chỉ cần “alo” là có “biệt đội máy bay không người lái” đến tận ruộng để phun xịt thuốc. Lúa đến ngày thu hoạch sẽ có công ty bao tiêu, không còn lo chuyện mấy ông cò lúa “bỏ của chạy lấy người” khi lúa rớt giá. Thông thường, lúa thu hoạch xong từ 7 – 10 ngày là công ty đã chuyển tiền mua lúa vào số tài khoản của mình rồi”.
Mặc dù gắn bó với nghề nông đã vài chục năm nhưng đến giờ, ông Sơn chưa bao giờ dám nghĩ là sẽ có ngày công việc đồng áng lại có thể nhẹ nhàng đến vậy. Nhiều năm trước, với diện tích gần 4ha, ông Sơn phải mất nhiều công lao động để có thể canh tác tốt diện tích này. Tuy nhiên, nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cùng sự đồng hành từ các doanh nghiệp, ông Sơn có thể canh tác diện tích lớn hơn nữa vẫn không có vấn đề gì lo ngại.
Hiện nay, toàn HTX DVNN Mỹ Đông 2 có trên 2/3 diện tích đã áp dụng máy cấy lúa và tất cả trong số diện tích này đều có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Anh Trần Tuấn Khanh - thành viên HTX chia sẻ: “Ban đầu, thấy máy cấy lúa khá thưa nên tôi cũng lo lắng. Tuy nhiên sau nhiều vụ quan sát, tôi nhận thấy mặc dù lượng giống gieo sạ giảm nhiều nhưng năng suất lúa không hề thua kém so với kỹ thuật sạ dầy trước đây. Đặc biệt khi gặp thời tiết thuận lợi, một công cho năng suất đạt cả tấn lúa. Không chỉ năng suất không đổi mà còn thu hút nhiều công ty sản xuất lúa giống đến bao tiêu với giá cao. Tôi thấy ứng dụng máy cấy để sản xuất lúa giống chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp là một hướng đi bền vững”.
Hiện việc điều khiển trạm bơm tiết kiệm nước, quản lý sâu bệnh, quản lý nước trên đồng ruộng đều được thao tác trên điện thoại thông minh
IoT “đổ bộ” xuống đồng ruộng
Nhiều người vẫn còn nghĩ Internet vạn vật (IoT) là những khái niệm xa vời và chỉ được áp dụng tận trời Tây. Không còn là chuyện viễn tưởng, nhiều mùa vụ qua, nông dân HTX DVNN Mỹ Đông 2 từng bước đưa một số ứng dụng IoT vào sản xuất lúa tại ngay tại cánh đồng của HTX.
Đang thao tác trên điện thoại thông minh để điều khiển máy bơm tháo nước của trạm bơm tiết kiệm nước, anh Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX DVNN Mỹ Đông 2 tận tình giải thích cho chúng tôi nghe một số nguyên lý hoạt động của các trạm bơm. Qua đó, giúp chúng tôi có cái nhìn bao quát hơn về những đổi thay mà IoT mang lại cho HTX thời gian qua.
Anh Ngô Phước Dũng- Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 thông tin về nguyên lý hoạt động của hệ thống cảm biến nước trên đồng ruộng
Anh Ngô Phước Dũng chia sẻ: “Hiện tại, trên khắp cánh đồng thông minh rộng 170ha của HTX và trên một số tuyến kinh, trạm bơm, hệ thống máng nước bê tông đang được lắp đặt rất nhiều cảm biến. Các cảm biến này đóng vai trò là “người dự báo”. Khi mực nước trong ruộng quá đầy hoặc quá khô thì cảm biến trên ruộng sẽ gửi thông tin đến máy chủ và thông qua thông tin dữ liệu đó, người dùng sẽ biết được ruộng lúa cần tưới hay tháo nước. Các thao tác này đều được thực hiện trên điện thoại thông minh một cách nhanh gọn và chính xác. Nhờ có kết nối internet vạn vật nên mọi thông tin về đồng ruộng hầu như được cập nhật liên tục trên điện thoại thông minh. Chỉ cần có internet, dù đi đâu, HTX chúng tôi vẫn có thể nắm được tình hình trên đồng ruộng. Chỉ cần một cú “lướt nhẹ”, nông dân chúng tôi có thể xử lý được rất nhiều công việc trên đồng ruộng mà trước đây các công đoạn này phải mất rất nhiều thời gian và công lao động mới có thể giải quyết được”.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 cũng đang áp dụng thử nghiệm mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh
Ngoài việc ứng dụng IoT vào việc hỗ trợ bơm tưới tự động, hiện HTX DVNN Mỹ Đông 2 còn áp dụng thử nghiệm mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh. Với việc được lắp đặt một số thiết bị thông minh như cảm biến và hệ thống quan sát thông minh, trạm giám sát sâu rầy sẽ giúp người dùng có thể biết được mật độ sâu rầy trên đồng ruộng nhiều hay ít để có những giải pháp xử lý phù hợp. Hệ thống này có thể dự báo tương đối chính xác khoảng cách trong vòng 5km2. Trạm giám sát sâu rầy thông minh sẽ làm thay công việc thăm đồng thủ công của nông dân. Thông qua nguồn dữ liệu mà trạm giám sát sâu rầy thu thập được hằng ngày sẽ được gửi về điện thoại thông minh của người dùng.
Với HTX DVNN Mỹ Đông 2, với việc ứng dụng nhiều giải pháp đồng bộ các giải pháp như sử dụng cơ giới hóa, ứng dụng IoT trong sản xuất lúa, đầu tư hạ tầng đồng bộ giúp cho việc sản xuất nông nghiệp của HTX thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Các giải pháp tiên tiến không những giúp nông dân, HTX tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất so với phương thức sản xuất truyền thống mà còn giúp chất lượng lúa của HTX ngày một được nâng lên. Minh chứng là từ những ngày đầu thành lập HTX chỉ có vài hecta lúa được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đến vụ đông xuân 2020 – 2021 toàn HTX DVNN Mỹ Đông 2 có trên 2/3 diện tích sản xuất lúa đều được doanh nghiệp đến bao tiêu.
MỸ LÝ - MỸ NHÂN