Mùa lũ năm 2017: xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm

Cập nhật ngày: 07/08/2017 10:02:50

ĐTO - Thông tin do ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp tình về tình hình lũ lụt, thiên tai năm 2017. Theo đó, mùa lũ năm 2017 có khả năng đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, mực nước trên sông Cửu Long ở mức cao và chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường.


Mùa lũ năm 2017 dự báo sẽ xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm

Trong tháng 8 và tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần. Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, Hồng Ngự có khả năng ở mức độ báo động cấp II đến báo động cấp III, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10, cụ thể tại Tân Châu là 4m - 4,5m, tại Hồng Ngự là 3,9m - 4,4m. Đỉnh lũ cao nhất tại khu vực nội đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp II đến cấp III.

Mực nước khu vực phía Nam lên mức cao nhất năm vào tháng 10 và tháng 11 ở mức cao hơn báo động cấp III khoảng 0,1 - 0,3m.

Về tình hình thiên tai, từ đầu năm đến nay, có 5 cơn bão và 2 đợt áp thấp nhiệt đới, tuy thiên tai không ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh nhưng đã gây ra mưa to, giông lốc, gió mạnh làm thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu với tổng chiều dài hơn 37km, diện tích sạt lở gần 8ha, ước thiệt hại hơn 18 tỷ đồng.

Trước diễn biến tình hình mưa lũ năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa đề nghị Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai công tác PCTT - TKCN trong năm 2017.

Theo đó, trên cơ sở dự báo, các địa phương phải chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão và thiên tai. Đồng thời lên phương án phòng, chống, rà soát lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi thiên tai xảy ra.

Ông Võ Thành Ngoan nhấn mạnh, tình hình thời tiết, thủy văn năm nay còn diễn biến phức tạp, đề phòng các trận mưa to kéo dài, bão, lũ lớn, triều cường, giông mạnh kèm theo tố lốc xảy ra... Do đó, các địa phương không được lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai.

Chú trọng công tác dự báo, cảnh báo về tình hình thiên tai, thủy văn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, sạt lở bờ sông và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết phòng tránh; nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu, xác định các vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở, vận động, hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn, tổ chức trông giữ trẻ trong vùng lũ.

Ngoài ra, các địa phương cần chủ động bơm tiêu úng và thu hoạch lúa thu đông khi lũ lên nhanh và bất thường. Kiểm tra, gia cố an toàn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đảm bảo sản xuất liên tục và an toàn trong mọi tình huống thiên tai.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn