Năm 2021, ngành nông nghiệp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số
Cập nhật ngày: 25/12/2020 16:21:39
ĐTO - Chiều 24/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp do Chủ tịch UBND Phạm Thiện Nghĩa chủ trì.
Năm 2020, nông dân sản xuất lúa gạo được mùa, được giá góp phần nâng cao thu nhập
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2020 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở nhưng ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, bám sát thực tiễn góp phần duy trì được đà tăng trưởng khá cao.
Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế toàn cầu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,65%. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển và mở rộng hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Trong năm 2020, có 14 Liên hiệp hợp tác xã, 17.300 hợp tác xã, 1.055 doanh nghiệp được thành lập mới. Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến hết năm 2020, phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm OCOP.
Năm 2021, ngành nông nghiệp đề ra các chỉ tiêu cơ bản với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,7-3%; 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới… Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng, miền…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2020 là năm thành công với nhiều điểm sáng của ngành nông nghiệp với việc thích ứng tốt và nỗ lực khắc phục, vượt qua tình hình thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng các nguồn cung ứng tiêu dùng, xuất khẩu; hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao.
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, chú trọng các công trình tưới tiêu, hồ đập; đào tạo nguồn nhân lực để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp khoa học công nghệ…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn ngành ước đạt 43.939 tỷ đồng, tăng 1.854 tỷ đồng so với năm 2019. Ước giá trị tăng thêm đạt 19.089 tỷ đồng, tăng 2,12% so với năm 2019. Trong đó, năm 2020, sản xuất lúa gạo được mùa, được giá, đạt hiệu quả tốt. Tổng diện tích trồng lúa đạt 511.394ha/510.008ha (bằng 100,27% so với kế hoạch), năng suất đạt 6,54 tấn/ha (tăng 0,11 tấn/ha so với cùng kỳ) và sản lượng ước đạt 3,34 triệu tấn. Lợi nhuận trồng lúa cao hơn so cùng kỳ năm với trước từ 2 – 4 triệu đồng/ha. Trong đó, vụ đông xuân lợi nhuận đạt cao nhất với 23 triệu đồng/ha/vụ; vụ hè thu lợi nhuận bình quân đạt trên 20 triệu đồng/ha. Riêng vụ thu đông, lợi nhuận ước đạt từ 15 – 20 triệu đồng/ha.
|
TRANG HUỲNH