Nâng sức cạnh tranh nông - thủy sản
Cập nhật ngày: 16/07/2012 14:22:38
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, hiện ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, chiếm 33,2% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước, trong đó lúa chiếm 52% sản lượng, 90% khối lượng xuất khẩu; thủy sản chiếm 57% sản lượng và trên 50% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ,... để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông - thủy sản của vùng.
Chế biến thủy sản xuất khẩu
Thời gian tới, phát triển xuất khẩu gạo theo hướng sạch hơn, ít tổn thất hơn để có giá trị gia tăng cao hơn, tận dụng tốt lợi thế theo qui mô và xu hướng giá cả để tăng kim ngạch và hiệu quả xuất khẩu. Trong 5 năm tới, tổng sản lượng thóc chỉ tăng khoảng 3%/năm và đạt khoảng 46 triệu tấn vào năm 2015. Tiêu dùng trong nước và dự trữ ước khoảng 36 - 37 triệu tấn, còn 9 - 10 triệu tấn dành cho chế biến xuất khẩu.
Để đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mức nước biển ngày càng dâng cao, việc duy trì xuất khẩu gạo ở giới hạn khoảng 5 - 6 triệu tấn/năm là phù hợp. 5 năm tới, giá tăng xuất khẩu gạo không dựa trên cơ sở tăng khối lượng mà chủ yếu dựa vào khả năng nâng cao giá trị xuất khẩu trên cơ sở gia tăng sản phẩm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là các nước: Châu Á, Châu Phi, trọng điểm là Asean và khu vực Trung Đông.
Đối với xuất khẩu thủy sản, phát triển theo hướng chú trọng các mặt hàng mới chất lượng cao, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, thủy sản sạch, hàm lượng chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao hơn, đa dạng hóa thị trường để phân tán rủi ro, vượt rào cản thương mại và bảo vệ cạnh tranh công bằng. Dự ước, sản lượng thủy sản của Việt Nam sẽ tăng bình quân 6 - 7%/năm giai đoạn 2011-2015, tăng từ 5,2 triệu tấn năm 2010 lên 7 - 7,2 triệu tấn vào năm 2015. Theo quy hoạch công nghiệp chế biến thủy sản, giai đoạn 2011-2015, thủy sản đóng hộp tăng trưởng bình quân 20,6%/năm, thủy sản ướp đông tăng 12 - 16%/năm.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông - thủy sản vùng ĐBSCL, cần tập trung phát triển những mặt hàng nông - thủy sản mũi nhọn, tạo thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, nhiều ưu đãi và hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ, nông sản cùng loại giá rẻ của các nước làm mưa làm gió trên thị trường, nhất là thời gian gần đây, gạo, đường, trái cây giá rẻ của một số nước tràn ngập “vựa” nông sản Nam Bộ. Do đó, định hướng tập trung phát triển những mặt hàng nông sản thế mạnh, có sức cạnh tranh cao để tập trung xuất khẩu là hết sức cần thiết.
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như gạo, trái cây, cà phê,... Tuy nhiên, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thô, ít qua chế biến, giá trị gia tăng thấp, hợp đồng bấp bênh, luôn phải đối mặt nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu theo số lượng, mượn thương hiệu, chất lượng ít được quan tâm, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa có nguy cơ giảm mạnh. Trong sản xuất cũng thiếu quy hoạch, nông dân đua nhau trồng ồ ạt những loại cây có lợi trước mắt mà ít quan tâm đến chất lượng, bất chấp qui luật cung cầu và dự báo thị trường tiêu thụ. Thêm vào đó, vì chạy theo lợi nhuận mùa vụ trước mắt, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tìm mọi cách thu mua đủ số lượng với giá rẻ mà bỏ qua nhiều khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với các loại hàng hóa nông sản.
Chính vì cung cách sản xuất, kinh doanh như thế nên chất lượng nông sản xuất khẩu ít được quan tâm so với nông sản cùng loại của các nước trong khu vực, thể hiện rõ như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn gạo Thái Lan 15 - 20 USD/tấn. Cũng do chất lượng không cao nên các doanh nghiệp phải “núp bóng” thương hiệu sản phẩm nước ngoài để xuất thô nông sản. Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản một cách bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản xuất khẩu, vùng ĐBSCL cần xây dựng chiến lược tập trung xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh, nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu cho sản phẩm nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hội nhập sâu rộng và bền vững, đẩy mạnh liên kết, hợp tác nội vùng cũng như giữa vùng ĐBSCL với các vùng kinh tế khác trong việc đẩy mạnh phát triển những sản phẩm thế mạnh.
TN