Ngành Ngân hàng Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp trong chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật ngày: 01/04/2024 16:18:30

ĐTO - Chiều ngày 1/4, Đoàn Công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế dẫn đầu, có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) về đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) tại tỉnh Đồng Tháp. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh.


Quang cảnh buổi làm việc

Theo NHNN-ĐT, thời gian qua, đầu tư tín dụng cho NNNT đã thu hút được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia. Đến nay, dư nợ cho vay phục vụ phát triển NNNT trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 60%-70% tổng dư nợ. Đến 31/12/2023, dư nợ cho vay phục vụ phát triển NNNT hơn 70 ngàn tỷ đồng, tăng 2,61 lần so với cuối năm 2015, với 272.405 khách hàng còn dư nợ; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 13,94%, giai đoạn 2016 - 2023 là 12,81%.

Đối với ngành hàng thủy sản, lúa gạo có mức tăng trưởng tốt, cho vay thủy sản có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 6,64%, giai đoạn 2016 - 2023 là 7,62%; đặc biệt ngành hàng lúa gạo có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 13,90%, giai đoạn 2016 - 2023 là 19,74%, cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân lĩnh vực NNNT và cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn tỉnh. Cụ thể, đến 31/12/2023, dư nợ lúa gạo trên địa bàn đạt 13.383 tỷ đồng và là tỉnh có dư nợ lúa gạo đứng thứ 4 so với khu vực ĐBSCL.​

Song, bên cạnh những thuận lợi, việc cho vay trong lĩnh vực NNNT trên địa bàn tỉnh còn nhiều rủi ro do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả, thị trường tiêu thụ... Do vậy, khi có rủi ro xảy ra khách hàng không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra không bảo đảm, giá cả bấp bênh, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn còn diễn ra, chất lượng nông sản hàng hóa cạnh tranh chưa cao, hiệu quả sử dụng đồng vốn còn thấp nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.

Cùng với đó, cơ chế định giá tài sản đảm bảo tiền vay còn thấp, hoặc do đặc thù chính sách cho vay của từng ngân hàng, một số chi nhánh còn chú trọng tài sản đảm bảo tiền vay trong quá trình cấp tín dụng, xem đây là điều kiện tiên quyết khi quyết định cấp tín dụng.


Đại biểu tham gia ý kiến tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu có nhiều ý kiến xoay quanh việc phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật, nhất là đối với việc hỗ trợ đầu tư và bảo lãnh tín dụng hợp tác xã; ban hành hướng dẫn đánh giá tài sản hình thành trên đất, nhất là đối với hợp tác xã…


Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khảo sát các mô hình nông nghiệp tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười)

Trước đó, sáng ngày 1/4, Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đến khảo sát các mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh.

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn