Nghề đan bội phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 03/06/2013 04:58:36
Nghề đan bội ra đời ở xóm nhỏ heo hút của ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B (Lấp Vò) đến nay đã ngót 16 năm, ban đầu chỉ có vài hộ tham gia nghề nhưng đến nay đã có 1/3 dân số của xã là lao động của nghề đan bội.
Là một trong những người tham gia nghề đan bội đầu tiên nên ông Nguyễn Thái Luật ở ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B biết rất rõ về làng nghề. Ông cho biết: “Nghề đan bội của địa phương rất thuận lợi do bà con ở đây chủ yếu làm ruộng nên thời gian nông nhàn rất rộng, rất dài; nguồn nguyên liệu có tại chỗ hoặc các nơi người ta biết và chở đến đây, là địa phương gần làng nghề hoa kiểng Sa Đéc nên sản phẩm được tiêu thụ quanh năm. Ngoài ra, chúng tôi còn được tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, kể cả Hà Nội, nên các nơi biết và tìm đến mua sản phẩm. Hàng năm, số hộ tham gia làm nghề đều tăng, thu nhập năm sau cao hơn năm trước, giá cả thì vẫn ổn định”.
Chính vì những lợi thế đó mà nghề đan bội có sức sống lâu dài hơn các nghề nông thôn khác. Năm 2005, làng đan bội này được công nhận là làng nghề, Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp 14/10 cũng được ra đời đứng ra bao tiêu sản phẩm cho xã viên và bà con làng nghề nên người lao động nơi đây rất yên tâm sản xuất.
Trên đường đến làng nghề, không khó bắt gặp cảnh người trẻ chẻ nan, người già, trẻ em thoăn thoắt đan sản phẩm, nhà cửa khang trang. Anh cán bộ nông nghiệp xã cho biết, trước đây bà con mình còn nghèo lắm, kinh tế khấm khá là nhờ biết chí thú làm ăn, trong đó nghề đan bội cũng đóng góp không nhỏ. Hiện nay, giá mỗi cái bội tre là 1 ngàn đồng, người làm giỏi mỗi ngày đan được hơn 100 cái, trừ chi phí về nguyên liệu và tiền gia công chẻ nan, mỗi người có thu nhập từ 65 đến 70 ngàn đồng/ngày. Nhà nào càng đông người và có nguyên liệu sẵn làm thì thu nhập càng cao. Bây giờ thuận lợi hơn trước là bà con có máy chẻ nan, công suất tăng lên gấp bội, 1 giờ chẻ máy bằng 3 người chẻ tay một ngày và người lao động ở đây yên tâm nhất là đầu ra ổn định. Nếu hộ nào không bán cho HTX thì bán cho thương lái, không sợ ứ đọng.
Ông Trương Khoa Nam - chủ nhiệm HTX 14/10 cho biết: “Trước đây, giá cả rất bấp bênh, làng nghề không phát triển được nhưng sau khi thành lập HTX thì HTX đứng ra làm trung gian đi ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Kể từ đó đến nay, giá cả luôn ổn định. Sắp tới, HTX sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để người dân mở rộng sản xuất”.
Kim Bông