Nghề đan cần xé
Cập nhật ngày: 03/10/2012 08:26:24
Hình thành và phát triển hơn 30 năm, nghề đan cần xé ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung đã tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Nghề đan cần xé ở xã Tân Thành phát triển tập trung ở hai ấp Tân An và Tân Khánh với trên 60 hộ và hơn 200 lao động theo nghề. Nghề đan cần xé không kén đối tượng, bởi ai cũng có thể làm được, từ trẻ em đến người lớn tuổi, tùy theo sức khỏe mỗi người mà chọn khâu làm sao cho phù hợp, từ vót nan, đan mình, cấu niềng đến kết quai... Ở các hộ theo nghề đan cần xé, trẻ em từ 13-14 tuổi đã bắt đầu tành đan. Ban đầu các em được giao đan một phần của cần xé, qua từ 2 đến 3 năm quen nghề, các em trở thành thợ và đan hoàn chỉnh cả sản phẩm.
Nghề đan cần xé ở xã Tân Thành tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động
Ở xã Tân Thành có nhiều hộ theo nghề đan cần xé nhưng theo nghề hơn 20 năm có thể kể đến ông Bảy Bé, ông Chín Lùn (ấp Tân An), ông Ngô Thanh Bảo (ấp Tân Khánh). Các hộ này làm nông nghiệp là chính nhưng nhờ có thêm thu nhập từ nghề đan cần xé nên kinh tế gia đình ngày càng khá giả.
Ông Bảy Bé (Đặng Văn Bé - 67 tuổi) ở ấp Tân An cho biết, nghề đan cần xé ở Tân Thành bắt đầu phát triển ở những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ 20. Lúc đầu chỉ một vài hộ theo nghề, thấy nghề “ăn nên làm ra”, dần dần nhiều hộ học nghề rồi làm theo. Những năm 1990 đến 2005 là giai đoạn “thịnh” của nghề đan cần xé. “Những năm đó, đan cần xé thấy ham lắm. Nguyên liệu tre, trúc lúc đó giá rẻ, cần xé bán được giá nên lãi nhiều, trung bình lời từ 8.000 - 10.000 đồng/chiếc. Khi đó có nhiều hộ theo nghề đan cần xé nhưng có lúc sản phẩm làm ra không đủ bán. Có nhà phải thức từ lúc 3-4 giờ sáng đan cho đến 7-8 giờ tối mới đủ hàng giao cho khách. So với trước, giờ giá nguyên liệu tăng nên làm cần xé lời rất ít, chỉ khoảng 4.000 đến 5.000 đồng/chiếc. Giờ theo nghề này chỉ lấy công làm lời”, ông Bảy Bé thổ lộ.
Gia đình ông Bảy Bé hiện có 4 người theo nghề gồm vợ chồng ông và vợ chồng người con trai. Trung bình, một lao động trong gia đình ông kiếm được khoảng 50 - 60.000 đồng/ngày. Để nghề được duy trì và phát triển, ngoài sản phẩm chủ lực là cần xé, gia đình ông còn nhận đan thêm các loại vỉ dùng để phơi bánh tráng hoặc phơi hủ tíu. Chỉ tính riêng sản phẩm cần xé, mỗi tháng gia đình ông Bảy Bé cung cấp cho thị trường khoảng 300 chiếc.
Nghề nào cũng lắm công phu, đối với nghề đan cần xé muốn có sản phẩm đẹp, chất lượng đòi hỏi người theo nghề phải có tính cần mẫn, chịu khó thực hiện tỉ mỉ trong từng công đoạn. Sản phẩm cần xé của Tân Thành rất đa dạng về kích cỡ. Từ loại cần xé có kích cỡ 1 táo dùng để đội cát đến loại đựng được 5 giạ dùng để gánh trấu. Tùy theo mẫu mã, kích cỡ có giá thành từ 15 ngàn đồng/chiếc (loại 1 táo), 28 ngàn đồng/chiếc (loại cần xé 2 giạ) đến 80 ngàn đồng/chiếc (loại cần xé đựng 5 giạ)... Sản phẩm cần xé nơi đây cung cấp quanh năm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, trong đó nhộn nhịp nhất là vào tháng 10 và tháng 11 âm lịch hằng năm, khi thị trường cần các loại cần xé để khuân vác nông sản tiêu thụ trong dịp Tết. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ “sống được” với nghề đan cần xé ở Tân Thành đã đầu tư mua máy chẻ nan, từ đó tiết kiệm được thời gian và tạo ra nhiều sản phẩm để cung cấp cho thị trường.
Tuy tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nhưng vài năm gần đây, do nguồn nguyên liệu tre, trúc dùng đan cần xé tại địa phương đang ít dần, những hộ theo nghề đan cần xé phải tìm mua ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng,... với giá cao nhưng sản phẩm làm ra bán với giá không tăng nên nghề đan cần xé có dấu hiệu chựng lại, nhiều người không còn theo nghề. Hiện những người theo nghề đan cần xé phần lớn là phụ nữ và những người ở độ tuổi trung niên nhằm tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.
Ông Đỗ Đắc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Lai Vung cho biết: “ Nghề đan cần xé giải quyết việc làm khá tốt cho lao động địa phương, trung bình mỗi hộ theo nghề giải quyết việc làm cho 4 đến 5 lao động, nghề này cho thu nhập trung bình khoảng 50 - 60.000 đồng/người/ngày. Nghề đan đát ở xã Tân Thành đã được công nhận làng nghề từ năm 2005. Hiện chúng tôi đang tiếp tục duy trì nghề”.
Phú Thuận