Nghề đan lục bình xã Phú Đức giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định
Cập nhật ngày: 28/10/2023 05:31:59
ĐTO - Là một trong những xã vùng sâu của huyện Tam Nông, người dân xã Phú Đức chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, địa phương đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề nông thôn. Tuy mới đi vào hoạt động những năm gần đây nhưng mô hình Tổ đan lục bình ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức mang lại sinh kế hiệu quả, giúp nhiều chị em phụ nữ ở địa phương tăng thu nhập, cải thiện kinh tế...
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Tổ trưởng Tổ đan lục bình ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, cho biết: “Ban đầu, gia đình tôi sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Khi đánh bắt cá, tôi thấy quê mình có nhiều lục bình nhưng chưa ai khai thác. Trong khi đó, tại các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, người dân cắt lục bình phơi và đan thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu, mang lại thu nhập khá tốt. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi quyết định về quê nhà ở huyện Cao Lãnh học nghề đan lục bình từ mẹ ruột. Sau khi học nghề thành thạo, năm 2014, tôi trở về Phú Đức bắt đầu phát triển nghề đan lục bình vừa cải thiện kinh tế gia đình vừa bắt đầu công việc truyền dạy nghề cho nhiều chị em ở địa phương”.
Nghề đan lục bình xã Phú Đức, huyện Tam Nông giúp nhiều chị em phụ nữ cải thiện thu nhập
Từ việc chỉ có một vài hộ tham gia, đến nay, Tổ đan lục bình ấp Phú Xuân, xã Phú Đức có trên 150 hộ dân gắn bó với nghề đan lục bình và có thu nhập ổn định khoảng 1,5 triệu - 6 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý là nhờ kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu, lợi nhuận được đảm bảo nên ngày càng có nhiều hộ dân tham gia mô hình.
Là một trong những gia đình thuộc diện khó khăn của ấp Phú Xuân nhưng nhờ gắn bó với nghề đan lục bình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, em Nguyễn Thị Kim Thoa ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, tâm sự: “Gia đình em có anh trai bị bệnh phải có người chăm sóc mà em lại vừa sinh con nhỏ nên em và mẹ không thể đi làm xa nhà kiếm thêm thu nhập. May mắn nhờ có nghề đan lục bình nên 2 mẹ con có thể làm việc kiếm tiền tại nhà. Nghề đan lục bình chỉ cần chịu khó để ý kỹ thuật đan là có thể thực hiện. Mặc dù khoản thu nhập từ nghề đan lục bình không cao nhưng giúp gia đình em có thêm điều kiện trang trải các chi phí và vượt qua khó khăn”.
Bên cạnh tạo việc làm cho chị em phụ nữ lúc nhàn rỗi, nghề đan lục bình còn thu hút lực lượng nam giới ở địa phương tham gia lao động ở các khâu cắt và phơi lục bình. Thời gian gần đây, giá lục bình nguyên liệu (lục bình khô) tăng mạnh, mỗi ký lục bình khô có giá từ 20.000 - 22.000 đồng. Theo tính toán, mỗi lao động thu nhập dao động từ 200 - 300 ngàn đồng/ngày. Với nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào tại địa phương, đây thật sự là một nguồn thu nhập khá trong giai đoạn nông nhàn.
Ông Võ Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức, cho biết, mô hình đan lục bình góp phần giải quyết hiệu quả việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn và đang trở thành chủ lực kinh tế của nhiều hộ gia đình. Mô hình này phù hợp với mọi người dân, lứa tuổi do công việc nhẹ nhàng, tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Với nguồn nguyên liệu lục bình tại chỗ khá dồi dào, địa phương nhận thấy mô hình đan lục bình còn nhiều khả năng phát triển. Do đó, trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động các hộ dân tham gia mô hình và nhân rộng thêm một số tổ đan lục bình để người dân ở khu vực nông thôn phát triển thêm kinh tế, tăng thu nhập. Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn giúp người dân phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập được địa phương xác định là nền tảng quan trọng giúp cho xã Phú Đức thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024...
MỸ LÝ