Người tạo thương hiệu riêng cho trái cây Lai Vung

Cập nhật ngày: 02/11/2012 11:23:37

Là một nhà giáo nên khi chuyển sang nghề làm vườn, anh Lê Ngọc Bích dễ dàng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào việc canh tác, trở thành một nông dân sản xuất giỏi với nhiều trái cây đặc sản được các viện, trường đánh giá cao. Tuy nhiên, điều anh trăn trở là làm thế nào để tạo nên một thương hiệu riêng cho trái cây được người tiêu dùng biết đến.


Anh Lê Ngọc Bích với lô gô thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền

Đam mê sáng tạo

Ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung, nhưng đến nhà ít khi nào gặp được anh Lê Ngọc Bích vì anh thường xuyên ở ngoài vườn. Anh có 1,2ha vườn, ngoài cây chủ lực là quýt hồng, anh còn trồng thêm các loại trái cây khác như quýt đường, cam mật, cam sành, cả những loại trái cây của xứ Đà Lạt như bơ, tưởng như khó có thể trồng được ở vùng đất này cũng được anh trồng thử nghiệm. Anh tâm sự, tại sao có những loại trái cây xứ khác trồng được mà mình trồng không được.

Có lần anh đi Đà Lạt mua mấy ký bơ về ăn và cho người thân nhưng bị chê ăn không được do bị sượng. Tức mình, anh mua cây giống đem về trồng thử. Là cây xứ cao nguyên nên điều trước tiên là phải giữ tuyệt đối không cho cây bị ngập nước. Rồi anh tìm hiểu thêm sách vở, tài liệu kỹ thuật trồng... Không phụ lòng người, sau thời gian chăm sóc, cây đơm hoa kết trái.

Trái bơ vùng đất đồng bằng lại có cơm dày và béo không thua gì bơ Đà Lạt. Tiếng lành đồn xa, bạn hàng trái cây trong vùng, nhất là những người bán sinh tố ở chợ đến mua không đủ bán. Có người đi Đà Lạt chơi nhưng không mua bơ Đà Lạt sợ bị nhầm, gọi điện thoại nhờ anh chừa mấy ký bơ để về mua làm quà cho người thân.

Trong vườn anh có trồng giống cam mật, trái to lại rất ngọt, tiếc là khi trái chín vỏ lại có màu xanh, màu này không “bắt mắt” khi chưng mâm ngũ quả trong ngày Tết. Chính điều này đã thôi thúc anh tạo cho trái cam mật có màu vàng tươi khi chín. Sau thời gian mày mò thử nghiệm, anh đã thực hiện thành công vỏ trái cam mật khi chín có màu vàng rực. Điều này đã giúp trái cam mật của anh bán rất chạy và được giá trong dịp Tết. Thành công này, anh được trao giải nhì về trái cam mật tại hội chợ Quốc tế nông nghiệp Cần Thơ năm 2008 và Festival trái cây Tiền Giang năm 2010.

Tạo dựng thương hiệu riêng

Không chỉ là nhà vườn chuyên sản xuất trái cây, anh Lê Ngọc Bích còn là một thương lái chở trái cây đi tiêu thụ thị trường thành phố Hồ Chí Minh, nhất là vào dịp Tết. Sau nhiều năm lăn lộn ở thị trường lớn này, anh thấy người tiêu dùng rất quan tâm đến những sản phẩm có thương hiệu, có địa chỉ rõ ràng, những sản phẩm có uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để tạo dựng thương hiệu riêng cho trái cây của mình, anh thấy cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương thức sản xuất theo quy trình “Thực hành nông nghiệp tốt”, nên khi có các lớp tập huấn nào do xã, huyện, tỉnh hoặc các viện, trường tổ chức anh đều tham gia. Từ các lớp IPM, VietGAP, đến việc tham gia các phong trào nông nghiệp, thành lập Câu lạc bộ IPM ở địa phương đã giúp cho vườn trái cây của anh ít bị sâu bệnh, giảm chi phí phun xịt, giảm giá thành sản xuất, chất lượng trái đẹp, đạt năng suất cao...

Với những nỗ lực này, trong nhiều năm qua, sản phẩm trái cây của anh Lê Ngọc Bích đạt được nhiều giải thưởng lớn như: giải nhất về quýt hồng tại Hội chợ nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ; giải ba về quýt đường tại Festival trái cây Tiền Giang; giải nhì về cam sành tại hội thi trái cây ngon Nam bộ ở Suối Tiên; đạt danh hiệu “Nhà vườn sáng tạo” cấp Quốc gia do Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.

Ngoài ra, anh còn được tặng nhiều Bằng khen do UBND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tặng... Dựa trên những thành tích này, năm 2011 anh được Báo Sài Gòn Tiếp thị hướng dẫn phác thảo lô gô, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Những trăn trở

Năm 2011 là năm đầu tiên anh Bích sử dụng lô gô hình trái quýt kèm với thương hiệu Út Bích dán trên các thùng trái cây đưa đi tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù mới thực hiện lần đầu còn không ít bỡ ngỡ, nhưng được người tiêu dùng chú ý, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Anh Bích tâm sự, có lúc hàng bị dội chợ do có những đợt quýt hồng kém chất lượng tràn ngập, nhưng người tiêu dùng đã dần quen thương hiệu của anh, nên việc tiêu thụ cũng ổn định.

Tạo nên thương hiệu hàng hóa cũng là gắn thêm trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, vì vậy anh Bích cũng lo ngại việc những kẻ xấu lợi dụng thương hiệu này để cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, việc dán thêm lô gô cho sản phẩm làm tăng thêm chi phí, nhưng giá cả chưa có sự chênh lệch với các sản phẩm thường. Anh đề nghị các ngành chức năng cần có chính sách giúp các nhà vườn làm ăn chân chính quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng nâng cao ý thức, có thói quen sử dụng các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng...

Anh Quân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn