Nguy cơ dịch tả heo Châu phi bùng phát mạnh trong giai đoạn giao mùa
Cập nhật ngày: 12/10/2019 18:10:31
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết ngày 3/10/2019, toàn tỉnh đã có 6.139 hộ chăn nuôi, ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố có heo mắc bệnh. Số heo bệnh và tiêu hủy là 121.146 con (chiếm khoảng 46,61% tổng đàn heo của tỉnh), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 7.904 tấn. Trong đó, tổng dự toán chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại với tổng số tiền trên 233 tỷ đồng.
Trong tuần qua, tình hình bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) trên cả nước tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 3/10/2019, dịch bệnh đã xảy ra tại 8.014 xã, thuộc 654 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 5.417.136 con, tổng khối lượng tiêu hủy là 311.506 tấn (ước thiệt hại khoảng 8,5% sản lượng thịt heo cả nước).
Tại Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tính đến ngày 3/10/2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 10/10 tỉnh, thành phố trong vùng ở 992 địa bàn cấp xã của 99 huyện (tăng 11 xã so với tuần trước). Đã buộc phải tiêu hủy 501.146 con heo (tăng 19.622 con so với tuần trước) và chiếm khoảng 23,86% tổng đàn heo của các tỉnh này), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 32.000 tấn.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp, trong tuần qua, do thời tiết mưa nhiều và nước lũ dâng cao; môi trường chăn nuôi trở nên ẩm thấp, heo dễ bị cảm lạnh và mắc bệnh tăng hơn so với tuần trước. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy trong tuần là 910 con; 53,9 tấn (tăng 270 con và 12,8 tấn so với tuần trước). Mặc dù vậy, nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 41/139 xã, phường, thị trấn (tăng 14 xã so với tuần trước) của 10/12 huyện, thị, thành phố đã qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Nhìn chung, tuy dịch bệnh hiện đang có xu hướng giảm, nhưng mức độ giảm chậm và có nguy cơ tăng trở lại nếu điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi như có mưa nhiều và thời tiết lạnh. Trong tuần tới, bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, làm cho môi trường chăn nuôi trở nên ẩm thấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Trước thực trạng trên, nếu người chăn nuôi không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học như: sử dụng trực tiếp nguồn nước sông chưa qua xử lý (chlorine hoặc benkocid...) để vệ sinh chuồng trại; không kiểm soát tốt và không thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện ra vào trại; không chú ý tăng cường sức đề kháng và chăm sóc cho đàn heo chu đáo thì nguy cơ dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Mỹ Lý