Nhiều khó khăn trong việc phát triển ngành may mặc
Cập nhật ngày: 10/04/2015 13:10:51
Là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của tỉnh Đồng Tháp, may mặc trở thành ngành có nhiều khởi sắc khi đơn hàng các doanh nghiệp (DN) nhận được đều tăng theo từng năm. Tuy nhiên, tình trạng phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu sản xuất, chủ yếu là làm gia công, thiếu lao động tay nghề, trình độ về kỹ thuật... đã khiến cho không ít DN trong ngành may mặc gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp may mặc gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề
Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh quý 1/2015 đạt 4.211 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch năm), tăng 16,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cao hơn nhiều so với các năm trước, trong đó giá trị sản xuất may mặc tăng 10,06%.
Thực tế cho thấy, ngành may mặc tỉnh Đồng Tháp có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, dịch vụ cũng như phát triển mở rộng quy mô sản xuất. Với những lợi thế riêng như năng suất, chi phí nhân công thấp, đáp ứng được sự đa dạng về các chủng loại hàng may mặc... sản phẩm may mặc trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu khá quan trọng của tỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài việc đem lại nguồn thu cho tỉnh, việc phát triển sản xuất, xuất khẩu, hàng may mặc còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động.
Ông Trần Xuân Tình, Giám đốc Công ty MTV may Nguyên Phụng Tình (TP.Cao Lãnh) chia sẻ: “Thách thức lớn của các DN may mặc là việc sản xuất phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ đối tác trong và ngoài nước. Để sản xuất ổn định, hầu như DN phải chấp nhận gia công cho đối tác, dù lợi nhuận thấp. Bởi khi gia công, đối tác sẽ cung ứng kịp thời, đầy đủ nguyên, phụ liệu”.
Bên cạnh đó, khó khăn mà các DN may mặc còn gặp phải là việc thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề. Trong khi đó, ngành may công nghiệp đang có sự dịch chuyển theo hướng phát triển chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ nên yêu cầu lao động phải qua đào tạo nghề. Hiện tại, hầu hết các DN may trong tỉnh chưa xây dựng được chiến lược nhân sự, thu hút, tuyển dụng và sử dụng lao động.
Bà Vương Thị Thanh Thúy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Phương Ngọc Thúy (TX.Hồng Ngự) cho biết: “Hiện nay, công nhân làm việc tại Công ty đảm bảo với mức bình quân thu nhập khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ việc, tự do chuyển chỗ làm là khá phổ biến”.
Ngoài ra, một khó khăn nữa mà các DN may mặc vướng phải đó là trình độ công nghệ, kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu từ khách hàng, khiến cho các DN trong tỉnh chưa thể mở rộng sản xuất và phong phú hóa mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Để tiếp tục duy trì vị thế, tạo dựng vị thế ngành may mặc phát triển ổn định, bền vững và đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... đòi hỏi ngành may mặc tỉnh ta phải có những thay đổi căn bản, đó là chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu. Bên cạnh đó, chú trọng việc thiết kế và khâu công nghệ kỹ thuật cũng phải được đầu tư bài bản; tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đào tạo, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động kỹ thuật may có trình độ, tay nghề cao. Song song đó, thị trường nội địa cần phải quản lý, khai thác triệt để, phương thức gia công phải được thu hẹp.
Khánh Phan