Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX về lĩnh vực công nghiệp thương mại
Những con số khích lệ
Cập nhật ngày: 21/06/2013 04:45:27
Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, bất ổn về kinh tế và chính trị, kinh tế phục hồi chậm là những đặc điểm cơ bản trong 3 năm qua đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của cả nước và của tỉnh, ảnh hưởng đến chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội IX về lĩnh vực công nghiệp thương mại đặt ra đối với ngành công thương. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nhưng ngành đã đạt được những kết quả rất đáng đáng trân trọng...
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, ngành công thương đã cụ thể hóa và xây dựng các chỉ tiêu của ngành đến năm 2015. Về công nghiệp: giá trị tăng thêm đạt là 19%, giá trị sản xuất 19%; thương mại: giá trị tăng thêm đạt 15%, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 19,8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 650 triệu USD.
Theo Sở Công Thương, trong năm đầu thực hiện nghị quyết, tình hình lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng mạnh nhưng thị trường lại rất tốt vì thế tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn đạt ở mức cao. Sang đến năm tiếp theo, thị trường có những chuyển biến không như mong đợi đã khiến tăng trưởng ít hơn. Theo thống kê, giá trị sản xuất ngành công nghiệp các năm qua (từ năm 2006 đến năm 2011) đã có mức tăng rất cao từ 25% đến trên 35%/năm; 2 năm trở lại đây, mức độ tăng đã chậm lại (dưới 15%/năm).
Dự báo trong 2 năm còn lại, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chỉ đạt ở mức 11 - 12%/năm. Do điểm xuất phát của giá trị sản xuất đã ở mức khá cao, không thể tăng cao liên tục về lượng như giai đoạn trước (đặc biệt là chế biến thủy sản và thức ăn chăn nuôi), chưa có dự án mới đăng ký đầu tư sản xuất chế biến sản phẩm mới tạo đột phá trong sản xuất công nghiệp.
Theo ông Nhị Văn Khải - Giám đốc Sở Công Thương, mặc dù đến nay chỉ số đặt ra vẫn chưa đạt theo kỳ vọng, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung, ngành công nghiệp tăng trưởng bình quân trong 3 năm 14% là một con số rất đáng khích lệ.
Trong 2 năm qua, tỉnh đã thu hút được 22 dự án đăng ký đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Tổng công ty Tân cảng Sài gòn; 23 dự án được khởi công xây dựng và 15 dự án xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động. Tính đến thời điểm hiện nay, đã thu hút được 139 dự án. Công tác làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân với HTX, nhằm chăm lo đầu ra cho sản phẩm được xem là hướng đi đúng mà ngành đang tiếp tục thực hiện.
Tỉnh Đồng Tháp có lợi thế về xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, xuất khẩu trong 2 năm vừa qua gặp khó, nhất là thị trường, mặc dù có gần 140 thị trường nhưng phát triển không bền vững và ổn định, do áp lực khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm người dân xiết chặt hầu bao. Theo đó, việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra cũng mang những điều bất lợi. Theo nhận định của ngành, do chưa quản lý được các đơn vị xuất nhập khẩu, nên việc mua bán còn mang tính tranh giành, phá giá. Hơn nữa, áp lực lên doanh nghiệp là hàng tồn kho nhiều cần phải giải quyết, nhằm lưu thông nguồn vốn.
Xuất khẩu của tỉnh theo dự đoán vẫn giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm một số thị trường mới tại Châu Á và Châu Phi, dự kiến năm 2014 và 2015 tăng từ 8-10%/năm. Đến cuối năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 815 triệu USD, tốc độ tăng bình quân 13%/năm (mục tiêu NQ 650 triệu USD), trong đó mặt hàng thủy sản đông lạnh đến cuối năm 2015 ước đạt 235.000 tấn, kim ngạch đạt 650 triệu USD, tăng bình quân 16,14%/năm.
Theo nhận định của ông Nhị Văn Khải, dự báo trong 2 năm còn lại, giá trị sản xuất ngành công nghiệp sẽ chỉ đạt ở mức 11 - 12%/năm và giá trị sản xuất cả giai đoạn 2011-2015 chỉ tăng 14,1%/năm. Ngành phấn đấu tăng 15% trong 2 năm cuối. Khi hoàn tất giai đoạn sẽ đạt 21.610 tỷ đồng, tăng bình quân 16,18%/năm, trong đó thủy sản chế biến 250.000 tấn, tăng 13,73%/năm, thức ăn chăn nuôi đạt 1,6 triệu tấn, tăng trên 11%.
Khi giá trị sản xuất tăng chậm, kéo theo giá trị tăng thêm sẽ tăng chậm lại. Theo tính toán, với các yếu tố trên, giá trị tăng thêm giai đoạn 2011-2015 cũng chỉ tăng bình quân 15%/năm (mục tiêu 19%/năm). Từ việc thực hiện các mô hình liên kết, cùng với các chương trình như: hàng Việt về nông thôn, giảm giá khuyến mãi, bán hàng trả chậm và hệ thống kênh phân phối từng bước được thiết lập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ. Dự kiến năm 2014, 2015 tăng 20%/năm; đến cuối năm 2015 ước đạt 72.000 tỷ đồng, tăng bình quân 21,9%/năm
Để đạt được những kết quả trong 2 năm còn lại, ông Nhị Văn Khải cho hay: “Ngành tiếp tục đẩy mạnh khai thác công suất chế biến của các nhà máy, vì hiện nay chỉ các nhà máy chỉ mới đạt trên 50% công suất hiện có. Song song đó, tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư những dự án mới, đặc biệt triển khai sớm các dự án đã ký kết, đồng thời nắm bắt tình hình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư. Tiếp tục tạo thắng lợi trong việc làm cầu nối trong liên kết tiêu thụ nông sản, đưa sản phẩm tỉnh vào các hệ thống siêu thị. Đối với thương mại xuất nhập khẩu, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng kỳ vọng vào những dự án sản xuất collagen từ da cá tra của Công ty Vĩnh Hoàn và dự án tinh luyện dầu cá của IDI sẽ góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh và của ngành công thương”.
K.D